Trình tự kiểm soát giấy tờ, hành lý, đồ vật của người có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên đường sắt

Trình tự kiểm soát giấy tờ, hành lý, đồ vật của người có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên đường sắt được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Cao đẳng giao thông vận tải. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm các quy định liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt, trong đó, một vài vấn đề em chưa nắm rõ. Cho em hỏi, theo quy định hiện hành, việc kiểm soát giấy tờ, hành lý, đồ vật của người có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên đường sắt được tiến hành theo trình tự nào? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Đỗ Minh Hoàng (hoang***@gmail.com)

Ngày 15/11/2010, Bộ Công an ban hành Thông tư 26/2010/TT-BCA quy định việc cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung, trình tự kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, trình tự kiểm soát giấy tờ, hành lý, đồ vật của người có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên đường sắt là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 6 Điều 10 Thông tư 26/2010/TT-BCA. Cụ thể như sau:

a) Yêu cầu người có dấu hiệu vi phạm xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ có liên quan để kiểm tra;

b) Khi xét thấy phải kiểm tra đồ vật, hành lý thì phải mời người chứng kiến và yêu cầu người có dấu hiệu vi phạm tự mở những đồ vật, hành lý mang theo để kiểm tra;

c) Sau khi kiểm tra xong, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Trường hợp người vi phạm chống đối, không cho kiểm tra giấy tờ, không tự mở hành lý, đồ vật để kiểm tra, nhưng có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm có thể bị tẩu tán, tiêu hủy thì cán bộ, chiến sỹ đang thi hành công vụ có quyền quyết định khám người, đồ vật theo thủ tục hành chính. Việc khám người, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nếu thấy cần thiết và có đủ căn cứ tạm giữ người để xử lý vi phạm hành chính thì Tổ trưởng Tổ công tác phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định; đồng thời phải tổ chức giám sát chặt chẽ, không để đối tượng bỏ trốn trong lúc chờ quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trình tự kiểm soát giấy tờ, hành lý, đồ vật của người có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên đường sắt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 26/2010/TT-BCA.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào