Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, cơ quan Công an chịu trách nhiệm về an toàn, trật tự giao thông đường sắt xử lý thế nào?

Việc xử lý trường hợp tai nạn giao thông đường sắt của cơ quan, đơn vị Công an nhân dân chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Ninh Bình. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm các quy định liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt, trong đó, một vài vấn đề tôi chưa nắm rõ. Cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành, trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, cơ quan Công an chịu trách nhiệm về an toàn, trật tự giao thông đường sắt xử lý thế nào? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Đỗ Minh Sang (sang***@gmail.com)

Ngày 15/11/2010, Bộ Công an ban hành Thông tư 26/2010/TT-BCA quy định việc cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung, trình tự kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, việc xử lý trường hợp tai nạn giao thông đường sắt của cơ quan, đơn vị Công an nhân dân chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 26/2010/TT-BCA. Cụ thể như sau:

a) Đối với vụ tai nạn ít nghiêm trọng: Tổ chức cấp cứu người bị nạn; thu giữ, bảo quản đồ vật, tài sản có liên quan đến vụ tai nạn; lập hồ sơ ban đầu chuyển giao cho Công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn giải quyết tiếp;

b) Đối với vụ tai nạn nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng: Tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra nơi xảy ra vụ tai nạn đến giải quyết.

Nếu xét thấy có thể tiếp tục cho tàu chạy mà không ảnh hưởng đến công tác điều tra thì đánh dấu vị trí nạn nhân và các dấu vết liên quan đến vụ tai nạn. Đưa nạn nhân và vật chướng ngại ra ngoài giới hạn an toàn giao thông đường sắt. Lập biên bản, vẽ sơ đồ ghi nhận dấu vết liên quan đến tai nạn. Cử cán bộ phối hợp với nhân viên đường sắt tiếp tục bảo vệ hiện trường, bàn giao hồ sơ, vật chứng, tài liệu liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc xử lý trường hợp tai nạn giao thông đường sắt của cơ quan, đơn vị Công an nhân dân chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 26/2010/TT-BCA.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào