Mức hưởng phụ cấp thâm niên đối với người làm công tác dự trữ quốc gia và cách tính chi trả
Mức hưởng phụ cấp thâm niên đối với người làm công tác dự trữ quốc gia và cách tính chi trả được quy định tại Điều 4 Thông tư 33/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Mức hưởng:
Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này có thời gian làm việc quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
2. Cách tính chi trả phụ cấp thâm niên hàng tháng:
a) Công thức tính:
Mức tiền phụ cấp thâm niên |
= |
Hệ số lương theo bậc trong ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp hiện hưởng cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) |
x |
Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ |
x |
Mức % phụ cấp thâm niên được hưởng |
Ví dụ 1:
Ông Nguyễn Văn A được tuyển dụng vào làm việc tại Bộ M, khi hết thời gian tập sự được xếp lương ngạch chuyên viên từ tháng 3 năm 1980. Từ tháng 02 năm 1982 ông A được cơ quan có thẩm quyền thuyên chuyển đến làm việc tại Cục Dự trữ vật tư nhà nước thuộc Bộ Vật tư. Từ tháng 10 năm 1986 ông A vào quân đội, cấp bậc Thượng úy. Từ tháng 12 năm 1989 ông A chuyển ngành về công tác tại Cục Dự trữ Quốc gia cho đến nay, hiện giữ chức Phó Vụ trưởng thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước, hưởng lương ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002) bậc 7 hệ số 6,44 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,7.
Tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2013, ông A có các thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội được tính hưởng phụ cấp thâm niên dự trữ quốc gia khi có đủ điều kiện như sau:
- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (Cục Dự trữ vật tư nhà nước thuộc Bộ Vật tư và Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước) từ tháng 2 năm 1982 đến tháng 9 năm 1986 là 4 năm 8 tháng;
- Thời gian là sỹ quan thuộc quân đội nhân dân từ tháng 10 năm 1986 đến tháng 11 năm 1989 là 3 năm 2 tháng;
- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (Cục Dự trữ quốc gia và Tổng cục Dự trữ Nhà nước) từ tháng 12 năm 1989 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2013 là 23 năm 11 tháng.
Như vậy, tại thời điểm ngày 01 tháng 11 năm 2013 (thời điểm hiệu lực của chế độ phụ cấp thâm niên), ông A có thời gian trên 5 năm (60 tháng) làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (4 năm 8 tháng + 23 năm 11 tháng = 28 năm 7 tháng), đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 31 năm 9 tháng (4 năm 8 tháng + 3 năm 2 tháng + 23 năm 11 tháng). Theo đó, ông A được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 31%. Mức tiền phụ cấp thâm niên tháng 11 năm 2013 của ông A được tính như sau:
(6,44 +0,7) x 1.150.000 đồng/tháng x 31% = 2.545.410 đồng/tháng
Ví dụ 2:
Ông Trần Văn B, nhập ngũ từ tháng 5 năm 1972. Từ tháng 7 năm 1977, ông B đang giữ cấp bậc hạ sĩ, được xuất ngũ về địa phương. Ông B được tuyển dụng vào làm việc tại Vụ K thuộc Bộ C, khi hết thời gian tập sự từ tháng 02 năm 1984 được xếp lương ngạch chuyên viên (mã số 01.003). Từ tháng 02 năm 1994 ông B được điều động sang làm việc tại Thanh tra Bộ C và được chuyển sang ngạch Thanh tra viên (mã số 04.025). Từ tháng 8 năm 2006 ông B được thuyên chuyển đến làm việc tại Dự trữ quốc gia khu vực T trực thuộc Cục Dự trữ quốc gia; từ tháng 8 năm 2008 ông B được thuyên chuyển đến làm việc tại Bộ H, hưởng lương ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002); từ tháng 8 năm 2010 ông B được thuyên chuyển đến làm việc tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực T trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho đến nay, hiện giữ chức Cục trưởng, hưởng lương ngạch chuyên viên cao cấp (mã số 01.001) bậc 3 hệ số 6,92 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,9.
Tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2013, ông B có các thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội được tính hưởng phụ cấp thâm niên dự trữ quốc gia khi có đủ điều kiện và không được tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:
- Thời gian làm việc tại Vụ K thuộc Bộ C từ tháng 02 năm 1984 đến tháng 01 năm 1994 không được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
- Thời gian làm việc được xếp lương ở ngạch Thanh tra viên từ tháng 02 năm 1994 đến tháng 7 năm 2006 là 12 năm 6 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên;
- Thời gian làm việc tại Dự trữ quốc gia khu vực T trực thuộc Cục Dự trữ quốc gia từ tháng 8 năm 2006 đến tháng 7 năm 2008 là 2 năm được tính hưởng phụ cấp thâm niên;
- Thời gian làm việc tại Bộ H từ tháng 8 năm 2008 đến tháng 7 năm 2010 không được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
- Thời gian làm việc tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực T trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước từ tháng 8 năm 2010 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2013 là 3 năm 3 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Như vậy, tại thời điểm ngày 01 tháng 11 năm 2013 (thời điểm hiệu lực của chế độ phụ cấp thâm niên), ông B có thời gian trên 5 năm (60 tháng) làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (từ tháng 8 năm 2006 đến tháng 7 năm 2008: 2 năm; từ tháng 8 năm 2010 đến hết tháng 10 năm 2013: 3 năm 3 tháng; tổng cộng là 5 năm 3 tháng), đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 17 năm 9 tháng (12 năm 6 tháng + 5 năm 3 tháng). Theo đó, ông B được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 17%. Mức tiền phụ cấp thâm niên tháng 11 năm 2013 của ông B được tính như sau:
(6,92 +0,9) x 1.150.000 đồng/tháng x 17% = 1.528.810 đồng/tháng
Ví dụ 3:
Ông C được tuyển dụng vào làm việc tại Thanh tra thuộc Bộ D, khi hết thời gian tập sự từ tháng 7 năm 2002 được xếp lương ngạch Thanh tra viên (mã số 04.025). Từ tháng 01 năm 2006 ông C vào quân đội, cấp bậc Trung úy. Từ tháng 03 năm 2009 ông C chuyển ngành về công tác tại Văn phòng Cục Dự trữ quốc gia cho đến nay, hiện giữ chức Phó trưởng phòng, Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước hưởng lương ngạch chuyên viên (mã số 01.003) bậc 4 hệ số 3,33 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,4.
Thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội được tính hưởng phụ cấp thâm niên của ông C như sau:
- Thời gian làm việc được xếp lương ở ngạch Thanh tra viên từ tháng 7 năm 2002 đến tháng 12 năm 2005 là 3 năm 6 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên;
- Thời gian là sỹ quan thuộc quân đội nhân dân từ tháng 01 năm 2006 đến tháng 02 năm 2009 là 3 năm 2 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên;
- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách từ tháng 3 năm 2009 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2013 là 4 năm 8 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Nếu tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2013 (thời điểm hiệu lực của chế độ phụ cấp thâm niên), ông C có tổng thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách là 4 năm 8 tháng; do đó, ông C chưa đủ điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
Nếu tính đến ngày 01 tháng 3 năm 2014, ông C có thời gian đủ 5 năm (60 tháng) làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách, đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 11 năm 8 tháng (3 năm 6 tháng + 3 năm 2 tháng + 5 năm). Theo đó, ông C được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 11%. Mức tiền phụ cấp thâm niên tháng 3 năm 2014 của ông C được tính như sau:
(3,33 +0,4) x 1.150.000 đồng/tháng x 11% = 471.845 đồng/tháng
Ví dụ 4:
Ông D được tuyển dụng chính thức vào làm thủ kho bảo quản muối tại Chi cục Dự trữ B kể từ tháng 6 năm 1993 được xếp lương ngạch thủ kho bảo quản. Từ tháng 12 năm 1997 ông D được thuyên chuyển về công tác tại Trạm muối H thuộc Tổng công ty Muối, Bộ Thương mại (sau này chuyển sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Từ tháng 4 năm 2013 ông D được tiếp nhận về làm thủ kho muối tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực B cho đến nay, hưởng lương ngạch thủ kho bảo quản (mã số 19.223) bậc 12 hệ số 4,06.
Tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2013, ông D có các thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội được tính hưởng phụ cấp thâm niên dự trữ quốc gia khi có đủ điều kiện và không được tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:
- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách từ tháng 6 năm 1993 đến tháng 11 năm 1997 là 4 năm 6 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
- Thời gian làm việc tại Trạm muối H thuộc Tổng công ty Muối, Bộ Thương Mại (sau này chuyển sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ tháng 12 năm 1997 đến tháng 3 năm 2013 không được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách từ tháng 4 năm 2013 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2013 là 7 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Như vậy, tại thời điểm ngày 01 tháng 11 năm 2013 (thời điểm hiệu lực của chế độ phụ cấp thâm niên), ông D có thời gian trên 5 năm (60 tháng) làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (từ tháng 6 năm 1993 đến tháng 11 năm 1997: 4 năm 6 tháng; từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 10 năm 2013: 7 tháng; tổng cộng là 5 năm 1 tháng), đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 5 năm 1 tháng (4 năm 6 tháng + 7 tháng). Theo đó, ông D được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 5%. Mức tiền phụ cấp thâm niên tháng 11 năm 2013 của ông D được tính như sau:
4,06 x 1.150.000 đồng/tháng x 5% = 233.450 đồng/tháng
b) Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công chức, viên chức thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó chi trả cùng kỳ lương hàng tháng.
Trên đây là nội dung quy định về mức hưởng phụ cấp thâm niên đối với người làm công tác dự trữ quốc gia và cách tính chi trả. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 33/2014/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật