Ngân hàng Nhà nước chi những khoản nào?

Các khoản chi của Ngân hàng Nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Gia Lai trong lĩnh vực bất động sản. Gần đây, tôi có tìm hiểu về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, một vài điểm tôi chưa nắm rõ. Cho tôi hỏi, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có những khoản chi nào? Tôi có thể tham khảo thêm nội dung này tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Thu Hương (huong***@gmail.com)

Ngày 10/01/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2006/NĐ-CP về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, mức vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước là 5.000 (năm ngàn) tỷ đồng. Việc thay đổi mức vốn pháp định này do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Các khoản chi của Ngân hàng Nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 14 Nghị định 07/2006/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:

1. Chi hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ ngân hàng:

a) Chi trả lãi tiền gửi, trả lãi tiền vay; chi về nghiệp vụ mua, bán và giao dịch ngoại hối; chi về nghiệp vụ thị trường mở;

b) Chi phí in, đúc, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu hủy tiền; chi về dịch vụ thanh toán và thông tin.

2. Chi cho cán bộ, công chức, nhân viên hợp đồng của Ngân hàng Nhà nước và chi khen thưởng, phúc lợi, gồm :

a) Chi lương, phụ cấp lương theo chế độ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức và nhân viên của Ngân hàng Nhà nước theo cơ chế khoán; chi ăn trưa; chi trang phục giao dịch; chi phương tiện bảo hộ lao động;

b) Chi khen thưởng, phúc lợi định kỳ và đột xuất cho cán bộ, công chức và nhân viên của Ngân hàng Nhà nước; mức chi 2 khoản này hàng năm bằng tổng quỹ lương thực hiện trong năm;

c) Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân của các ngành có đóng góp xuất sắc cho hoạt động của Ngân hàng; mức chi tối đa bằng 1 tháng lương thực hiện trong năm.

3. Các khoản đóng góp theo lương (kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các khoản đóng góp khác theo chế độ quy định), chi cho các hoạt động đoàn thể.

4. Trợ cấp khó khăn, trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.

5. Chi cho hoạt động quản lý và công vụ bao gồm: chi vật tư văn phòng; chi về cước phí bưu điện và truyền tin; chi điện, nước, y tế, vệ sinh cơ quan; chi xăng dầu; chi công tác phí; chi lễ tân, khánh tiết, hội nghị; chi phí cho việc thanh tra, kiểm toán hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; chi đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, công nghệ, sáng kiến, cải tiến; chi về tài liệu, sách báo, tạp chí, thư viện, tuyên truyền, quảng cáo, chi cho các hoạt động và quản lý công vụ khác.

6. Chi về tài sản:

a) Trích khấu hao tài sản cố định;

b) Chi bảo dưỡng và sửa chữa tài sản; chi mua sắm công cụ lao động; chi thuê tài sản.

7. Trích 12% giá trị tài sản cố định bình quân trong năm để đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng.

8. Các khoản chi từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo chế độ quy định.

9. Chi lập khoản dự phòng rủi ro theo Điều 11 của Nghị định này.

10. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các khoản chi của Ngân hàng Nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 07/2006/NĐ-CP .

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào