Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Do nhu cầu công việc, gần đây tôi có tìm hiểu về việc tổ chức công tác thi đua khen thưởng trong các ban ngành, các cấp. Tuy nhiên, một vài điểm tôi chưa nắm rõ. Cho tôi hỏi, hiện nay tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng tại các cơ quan, ban ngành thực hiện những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn gì? Tôi có thể tham khảo thêm nội dung này tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Quang Đại (0907****)

Ngày 04/10/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 122/2005/NĐ-CP về tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng. Nghị định này quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) và các Tổng công ty nhà nước.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 3 Nghị định 122/2005/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cùng cấp để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng ở cơ quan, đơn vị mình.

2. Làm nhiệm vụ thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cấp mình.

3. Xây dựng chương trình kế hoạch, nội dung thi đua, khen thưởng cho từng thời kỳ và từng lĩnh vực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của ngành, địa phương và cơ sở.

4. Giúp Thủ trưởng cơ quan tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng trong phạm vi quản lý.

5. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

6. Giúp Thủ trưởng cơ quan trong việc sơ kết, tổng kết, phát hiện điển hình, đúc rút và phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng phong trào thi đua và các điển hình tiên tiến; kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; xem xét, thẩm định đề xuất các hình thức khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

7. Tổ chức bồi dưỡng về các chủ trương chính sách, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng.

8. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về chính sách khen thưởng; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác thi đua, khen thưởng.

9. Xây dựng và quản lý Quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

10. Quản lý, cấp phát hiện vật khen thưởng của ngành và địa phương theo phân cấp; thực hiện việc tổ chức và trao tặng khen thưởng theo quy định của pháp luật. Làm thủ tục cấp đổi hiện vật khen thưởng bị hư hỏng, thất lạc và xác nhận các hình thức khen thưởng.

11. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác thi đua, khen thưởng.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 122/2005/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào