Nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 1309/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
1. Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác tuyên truyền, giáo dục quyền con người:
a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về quyền con người và giáo dục quyền con người;
b) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về bảo vệ và đấu tranh về quyền con người làm cơ sở phục vụ công tác giảng dạy, học tập nội dung quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giảng dạy quyền con người trong chương trình giáo dục, đào tạo:
a) Triển khai nghiên cứu, đánh giá thực trạng về nội dung giảng dạy quyền con người trong chương trình giáo dục, đào tạo của các cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục quốc dân để đề xuất bổ sung, chỉnh lý chương trình cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới;
b) Khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nội dung giảng dạy quyền con người; trên cơ sở đó, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy về quyền con người của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
3. Hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa có nội dung về quyền con người:
a) Hoàn thiện nội dung quyền con người trong chương trình các môn học (như Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật) đã được định hướng về nội dung trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (chương trình tổng thể);
b) Xây dựng chương trình giảng dạy môn học về quyền con người trong chương trình đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính;
c) Tổ chức biên soạn giáo trình về quyền con người dùng chung cho các trường đào tạo thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính (trừ một số trường đặc thù thuộc lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân);
d) Rà soát nội dung giảng dạy quyền con người ở các trình độ đào tạo và các ngành, nghề cụ thể thuộc các chương trình giáo dục nghề nghiệp để bổ sung, hoàn thiện và thống nhất thực hiện;
đ) Tiếp tục thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung quyền con người trong chương trình đào tạo của khối ngành luật, hành chính, nội chính và chương trình đào tạo giáo viên giáo dục công dân trình độ cao đẳng và trình độ đại học ở các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
4. Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên:
a) Cử cán bộ giảng dạy đi học tập, nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và cơ sở đào tạo ở những nước có truyền thống, kinh nghiệm tốt về giảng dạy quyền con người;
b) Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy trực tiếp các môn học về quyền con người hoặc các môn học có lồng ghép nội dung về quyền con người;
c) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời bồi dưỡng phương pháp giảng dạy định kỳ cho giáo viên, giảng viên ở các cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
5. Bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân:
a) Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về chương trình môn học pháp luật và các môn học khác có nội dung về quyền con người ở các cấp học và chương trình đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án;
b) Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân;
c) Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về công tác phối hợp trong giảng dạy nội dung về quyền con người; chế độ chính sách phục vụ công tác giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, giáo dục quyền con người:
a) Tổ chức nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm về mô hình giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục quốc dân ở một số nước đã thành công và có hiệu quả;
b) Khuyến khích các cơ sở giáo dục, đào tạo mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế với cơ sở đào tạo ở các quốc gia có mô hình giáo dục quyền con người thành công và hiệu quả;
c) Thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi giáo viên, giảng viên với nước ngoài nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực, kiến thức về quyền con người cho cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên.
7. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục quyền con người:
a) Biên soạn, xuất bản các tài liệu tham khảo và phổ biến thông tin liên quan đến quyền con người dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, giáo viên, nhân viên ở các cấp học;
b) Tổ chức tập huấn, hội thảo và mở các khóa đào tạo theo các chủ đề cơ bản về quyền con người;
c) Thực hiện các hoạt động truyền thông và quảng bá liên quan đến chủ đề quyền con người, giáo dục quyền con người.
8. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân:
a) Xây dựng danh mục thiết bị và học liệu tối thiểu phục vụ giảng dạy quyền con người gồm các thiết bị, giáo trình, tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu về quyền con người trong các nhà trường;
b) Xây dựng ngân hàng tư liệu giáo dục quyền con người tại thư viện của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; trung học phổ thông; bảo đảm phục vụ kịp thời việc nghiên cứu, học tập của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, sinh viên, học sinh;
c) Xây dựng trang web về giáo dục quyền con người phục vụ nhu cầu truy cập thông tin mạng của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và người học.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 1309/QĐ-TTg năm 2017.
Trân trọng!