Trình tự tổ chức lễ tang cấp cao trong lực lượng Công an nhân dân
Trình tự tổ chức lễ tang cấp cao trong lực lượng Công an nhân dân được quy định tại Điều 20 Thông tư 15/2013/TT-BCA quy định chế độ tang lễ trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành như sau:
1. Lễ viếng (sơ đồ tổ chức Lễ viếng thực hiện theo Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này).
Trước khi tổ chức Lễ viếng, đại diện Ban Tổ chức lễ tang công bố Quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức lễ tang; thông báo thời gian tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang và Lễ an táng.
a) Đến giờ viếng, khi các lực lượng phục vụ Lễ tang và những người tham dự Lễ tang đã vào vị trí theo quy định, Ban Tổ chức lễ tang thông báo “Lễ viếng đồng chí .... bắt đầu”.
b) Giới thiệu các đoàn vào viếng.
c) Từng đoàn vào viếng như sau:
- Hai chiến sĩ khiêng hoa đi trước;
- Trưởng đoàn;
- Các thành viên trong đoàn đi thành một hoặc hai hàng dọc;
- Sĩ quan dẫn viếng đi chếch phía sau, bên phải Trưởng đoàn.
d) Khi đoàn vào viếng, hai chiến sĩ khiêng hoa đứng chờ sẵn, hướng vòng hoa về phía đoàn, “trình hoa”. Sau đó xoay vòng hoa lại, đi “nghiêm” chậm rãi trước đoàn vào vị trí viếng.
đ) Đến vị trí viếng:
- Hai chiến sĩ khiêng hoa đứng lại, phối hợp xoay và đặt vòng hoa vào giá hoa viếng, hướng mặt vòng hoa về phía đoàn viếng, sửa lại ngay ngắn rồi quay đằng sau đi đều về đứng ở hai bên;
- Sĩ quan dẫn viếng dẫn đoàn viếng đứng thành hàng ngang. Tùy số lượng đoàn viếng nhiều hay ít mà bố trí đứng thành một hoặc nhiều hàng ngang. Trưởng đoàn đứng chính giữa hàng, sĩ quan dẫn viếng đứng về bên phải đoàn viếng.
e) Mặc niệm:
Khi đoàn viếng đã ổn định đội hình, người điều khiển âm thanh mở băng nhạc “Hồn tử sĩ’. Nếu có Đội nhạc lễ Công an nhân dân thì cử bài “Hồn tử sĩ”. Khi nghe cử bài “Hồn tử sĩ”, mọi người trong đoàn viếng mặc niệm. Nếu mặc trang phục Công an nhân dân thì đứng nghiêm thực hiện động tác chào, mắt nhìn xuống nơi đặt linh cữu - chào vĩnh biệt người đã mất. Khi nhạc dừng lại, thôi chào, thôi mặc niệm. Nếu không có nhạc thì đồng chí trưởng đoàn hô: “Một phút mặc niệm bắt đầu”, cán bộ, chiến sĩ thực hiện động tác chào vĩnh biệt người đã mất, hết thời gian mặc niệm hô “thôi”. Nếu mặc thường phục thì đứng nghiêm, mắt nhìn xuống nơi đặt linh cữu, vĩnh biệt người đã mất.
g) Đi quanh linh cữu:
- Sĩ quan dẫn viếng hướng dẫn đoàn viếng đi thành một hàng dọc theo thứ tự: Trưởng đoàn, sau đó đến các thành viên trong đoàn. Sĩ quan dẫn viếng đi bên phải Trưởng đoàn, đi vòng từ bên phải linh cữu (phía trong cán bộ túc trực) lên đầu linh cữu rồi vòng đến vị trí nơi gia đình thân nhân người đã mất, chia buồn với gia đình, sau đó đi ra khỏi khu vực viếng. Trưởng đoàn vào ghi sổ tang;
- Hai chiến sĩ khiêng hoa từ hai bên đi vào đưa vòng hoa về nơi quy định.
h) Các đoàn nối tiếp theo thứ tự vào viếng.
2. Lễ truy điệu (sơ đồ tổ chức Lễ truy điệu thực hiện theo Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này).
Đến giờ làm Lễ truy điệu, Ban Tổ chức lễ tang mời các đồng chí lãnh đạo, thành viên Ban Tổ chức lễ tang, các đoàn dự Lễ tang, đơn vị nghi lễ... vào vị trí tổ chức Lễ truy điệu.
a) Khi mọi người đã vào vị trí ổn định, Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: “Lễ truy điệu đồng chí... bắt đầu”. Sau đó, mời đồng chí Trưởng ban Tổ chức lễ tang đọc điếu văn; đọc điếu văn xong, đồng chí Trưởng ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: “Phút mặc niệm bắt đầu”.
- Người điều khiển âm thanh mở nhạc “Hồn tử sĩ’, nếu có Đội nhạc lễ Công an nhân dân thì cử nhạc “Hồn tử sĩ’.
- Đội danh dự thực hiện động tác bồng súng chào. Tất cả mọi người dự Lễ truy điệu đứng nghiêm, mặc niệm; cán bộ, chiến sỹ mặc trang phục Công an nhân dân đứng nghiêm thực hiện động tác chào. Kết thúc nhạc “Hồn tử sĩ’, các đại biểu thôi mặc niệm, Đội danh dự thôi chào.
- Đại diện Ban Tổ chức lễ tang hoặc đại diện gia đình cảm ơn (nếu có).
b) Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: “Lễ truy điệu đồng chí... kết thúc”, rồi mời các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, các đoàn, gia đình nghỉ tại chỗ 5 phút và chuẩn bị đưa thi hài đồng chí... về nơi an nghỉ cuối cùng. Đội nhạc lễ (nếu có), Đội danh dự, tiêu binh ra khỏi vị trí. Các đội công tác thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
3. Lễ đưa tang
a) Chuyển linh cữu lên xe tang:
- Đội nghi lễ và đoàn xe tang triển khai đội hình theo quy định;
- Chiến sĩ danh dự gấp Công an kỳ phủ trên linh cữu;
- Hai chiến sĩ mang ảnh, giá Huân chương đến vị trí trước linh cữu để đi trước linh cữu;
- Đội khiêng linh cữu vào khiêng linh cữu ra xe, các đại biểu, Ban Tổ chức lễ tang có thể cùng tham gia khiêng linh cữu;
- Khi linh cữu được khiêng ra, thứ tự đi sau linh cữu là gia đình, các đồng chí lãnh đạo, tiếp đến là đại biểu và các đoàn...;
- Đến xe tang, đặt linh cữu lên xe tang hoặc giá kéo. Chiến sĩ mang ảnh, giá Huân chương để lên xe chở Công an kỳ. Đối với Lễ tang của sĩ quan cấp ủy, hạ sĩ quan, chiến sĩ không có xe Công an kỳ thì mang ảnh, giá Huân chương (nếu có), lên xe linh cữu. Bộ phận khiêng hoa, hương... đưa hoa, hương lên xe theo quy định;
- Lãnh đạo, gia đình, đại biểu, thân quyến... lên các xe đưa tang.
b) Đưa tang, khi linh cữu đã được đặt lên xe chở linh cửu (hoặc xe kéo), các lực lượng đã chuẩn bị xong, Ban Tổ chức lễ tang ra lệnh cho đoàn xe tang xuất phát, thứ tự các xe như sau (xem Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này):
- Xe chỉ huy của Ban Tổ chức lễ tang;
- Xe Công an kỳ, ảnh, huân, huy chương;
- Xe Đội danh dự Công an nhân dân;
- Xe chở Đội nhạc (nếu có);
- Xe chở hoa;
- Xe chở linh cữu (hoặc xe kéo linh cữu);
- Xe gia đình;
- Xe các đồng chí lãnh đạo;
- Xe đại diện đơn vị, đại biểu;
- Xe Ban Tổ chức lễ tang.
Tốc độ, hành trình, cự ly của các xe đưa tang do Ban Tổ chức lễ tang quy định. Nhưng phải đảm bảo tuyến đường đi từ nơi tổ chức Lễ viếng đến nơi an táng hoặc hỏa táng là hợp lý nhất. Không thực hiện rước di ảnh qua nơi ở. Trường hợp đặc biệt do lãnh đạo Bộ quyết định.
4. Lễ an táng hoặc hỏa táng
a) An táng:
- Đoàn xe tới nơi an táng, đỗ xe vào các vị trí quy định, lực lượng nghi lễ vào các vị trí làm nhiệm vụ;
- Đội khiêng linh cữu chuyển linh cữu đặt lên giá trước huyệt;
- Gia đình, các đồng chí lãnh đạo và các đoàn tham dự Lễ an táng đứng sau linh cữu theo hướng dẫn của Ban Tổ chức lễ tang;
- Đội danh dự đứng thành 2-4 hàng ngang song song với linh cữu, đội nhạc lễ (nếu có) đứng hướng đối diện với đội danh dự;
- Khi các lực lượng đã vào vị trí ổn định, Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: “Lễ an táng đồng chí... bắt đầu”;
- Đội khiêng linh cữu khiêng linh cữu đặt trên huyệt;
- Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố “Hạ huyệt”;
- Đội công tác hạ huyệt;
- Khi linh cữu đã đặt vào vị trí, Ban Tổ chức lễ tang mời các đồng chí lãnh đạo, gia đình thân quyến bỏ nắm đất đầu tiên. Sau đó gia đình về đứng bên phải hoặc bên trái huyệt, các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu về vị trí thích hợp;
- Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố “Lấp huyệt”;
- Đội công tác làm nhiệm vụ lấp huyệt;
- Lấp huyệt xong, đặt hoa lên mộ;
- Sau khi đặt vòng hoa lên mộ xong, Ban Tổ chức lễ lang tuyên bố “Vĩnh biệt đồng chí... Phút mặc niệm bắt đầu”. Đội danh dự bồng súng chào, mọi người dự Lễ an táng mặc niệm;
- Mặc niệm xong, Đội danh dự “thôi chào”, mọi người thôi mặc niệm;
- Kết thúc Lễ an táng, Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố “Lễ an táng đồng chí... kết thúc”; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, đoàn thể... rồi mời mọi người dự Lễ an táng đi một vòng quanh mộ, vĩnh biệt lần cuối người đã mất. Các đại biểu chia buồn với gia đình rồi ra về. Các lực lượng phục vụ Lễ tang theo hướng dẫn của Ban Tổ chức lễ tang lần lượt ra khỏi khu vực Lễ an táng.
b) Hỏa táng: Ban Tổ chức lễ tang phối hợp với Đài hỏa táng và gia đình tổ chức hỏa táng theo quy định.
Trên đây là nội dung quy định về trình tự tổ chức lễ tang cấp cao trong lực lượng Công an nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 15/2013/TT-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật