Chế độ báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri
Chế độ báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri được quy định tại Điều 11 Quyết định 33/2017/QĐ-TTg Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể là:
1. Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng hợp, đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
2. Các bộ, cơ quan ở trung ương chủ động theo dõi, rà soát, tổng hợp, đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân nguyện và các cơ quan liên quan chậm nhất là 40 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Báo cáo bao gồm các nội dung sau:
a) Số lượng kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến trực tiếp, trong đó phân loại theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan; đối với từng ngành, lĩnh vực phải làm rõ số lượng, kết quả giải quyết, trả lời theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;
b) Số lượng kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển đến, trong đó phân loại cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan; đối với từng ngành, lĩnh vực phải làm rõ số lượng, kết quả giải quyết, trả lời theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;
c) Đối với các kiến nghị đã giải quyết xong nêu tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này, phải có danh mục những chính sách, văn bản đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và danh mục các vụ việc đã được thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm;
d) Kết quả giải quyết, trả lời các kiến nghị thuộc nhóm “đang giải quyết” và “sẽ giải quyết” của các kỳ họp Quốc hội trước; tổng hợp những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, qua nhiều kỳ họp; kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi cơ chế chính sách, quy định của nhà nước và kiến nghị chưa thể thực hiện ngay được do chưa có nguồn lực;
đ) Đánh giá về kết quả giải quyết kiến nghị và có đề xuất đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân nguyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động theo dõi, rà soát, tổng hợp, đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân nguyện và các cơ quan liên quan chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Báo cáo bao gồm các nội dung sau:
a) Số lượng kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển đến, trong đó phân loại cụ thể từng ngành, lĩnh vực theo nhiệm vụ quản lý nhà nước của địa phương; đối với từng ngành, lĩnh vực phải làm rõ số lượng kiến nghị đã giải quyết, trả lời theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;
b) Số lượng kiến nghị đã được giải quyết, trả lời trực tiếp trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; số lượng kiến nghị được ghi nhận trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xem xét, giải quyết, trong đó, phân loại theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của địa phương; đối với từng ngành, lĩnh vực phải làm rõ số lượng kiến nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;
c) Số lượng kiến nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển đến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, trong đó, phân loại theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của địa phương; đối với từng ngành, lĩnh vực phải làm rõ số lượng kiến nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;
d) Đối với các kiến nghị đã giải quyết xong nêu tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều này, phải có danh mục những văn bản thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và danh mục các vụ việc đã được thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm;
đ) Tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị đã trả lời là “đang giải quyết” và “sẽ giải quyết” của các kỳ họp Quốc hội trước; tổng hợp những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, qua nhiều kỳ họp; kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành, bãi bỏ cơ chế chính sách, quy định của địa phương và kiến nghị liên quan đến các nguồn lực nên chưa thể thực hiện ngay được;
e) Đánh giá về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của kỳ họp Quốc hội thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương và kiến nghị của địa phương đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân nguyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 33/2017/QĐ-TTg.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật