Trang phục, băng tang và những điều kiện khác khi thực hiện lễ tang theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân

Trang phục, băng tang và những điều kiện khác khi thực hiện lễ tang theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, em hiện là sinh viên của trường Học viện công an nhân dân. Trong quá trình học tập có một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức tang lễ của các chiến sĩ Công an nhân dân em muốn tìm hiểu thêm. Ban biên tập cho em hỏi là các cán bộ, chiến sĩ thuộc đối tượng được áp dụng chế độ tang lễ trong Công an nhân dân sẽ được tổ chức tang lễ theo nghi thức của ngành nhưng em không biết về trang phục, băng tang và những điều kiện khác khi thực hiện lễ tang theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Em mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Thái Thịnh (thinh***@hotmail.com)

Trang phục, băng tang và những điều kiện khác khi thực hiện lễ tang theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân được quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 15/2013/TT-BCA quy định chế độ tang lễ trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành như sau:

Điều 6. Trang phục và băng tang

1. Trang phục

a) Đối với người hy sinh, từ trần:

- Sĩ quan Công an nhân dân hy sinh, từ trần mặc lễ phục thu đông (nếu không có lễ phục thì mặc trang phục thu đông hoặc trang phục xuân hè), đeo cấp hiệu, cành tùng đơn, chân đi tất; mũ kêpi đặt trên ngực, sao mũ hướng lên đầu người hy sinh, từ trần; giầy da để cạnh hai bàn chân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên Công an nhân dân hy sinh, từ trần mặc trang phục thu đông (hoặc xuân hè) đeo cấp hiệu, phù hiệu, chân đi tất, giầy và mũ kêpi đặt như trường hợp sĩ quan;

- Công nhân viên Công an nhân dân hy sinh, từ trần mặc thường phục.

b) Đối với cán bộ, chiến sĩ công an dự Lễ tang:

- Dự Lễ tang cấp Nhà nước, mặc lễ phục Công an nhân dân (theo mùa), có đội mũ;

- Các trường hợp còn lại, mặc trang phục Công an nhân dân (theo mùa), có đội mũ.

2. Băng tang

Chỉ các thành viên Ban Lễ tang Nhà nước và Ban tổ chức Lễ tang đeo băng tang đen (có chiều rộng 07cm) trên cánh tay trái.

Điều 7. Một số quy định khác

1. Lễ viếng tổ chức tại nhà tang lễ, Lễ đưa tang và Lễ an táng thực hiện cùng trong một ngày.

2. Trường hợp tổ chức Lễ viếng tại gia đình thì tùy theo phong tục địa phương và gia đình, thi hài người từ trần phải được khâm liệm vào linh cữu và bảo đảm vệ sinh, nhất là đối với người có bệnh lây nhiễm. Linh cữu được để không quá 48 (bốn mươi tám) giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức Lễ an táng. Trong thời gian tổ chức Lễ viếng tại gia đình không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh bảo đảm không vượt quá độ ồn cho phép theo quy định; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong Lễ tang.

3. Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc gia đình không để cửa có lắp kính trên nắp quan tài.

4. Hạn chế rắc vàng mã, không rắc các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng.

Trên đây là nội dung quy định về trang phục, băng tang và những điều kiện khác khi thực hiện lễ tang theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 15/2013/TT-BCA.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào