Trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính
Trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được quy định tại Điều 6 Quy chế làm việc của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 469/QĐ-BTC năm 2017 như sau:
1. Trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc:
a) Thủ trưởng đơn vị chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp quản lý, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ về việc giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị đảm bảo đúng thời hạn, có chất lượng các đề án đã đăng ký và nhiệm vụ được giao; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ kết luận, phân công tổ chức thực hiện đảm bảo có chất lượng, đúng thời hạn theo quy định. Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền, chức năng của đơn vị mình lên Lãnh đạo Bộ hoặc chuyển cho đơn vị khác; không giải quyết công việc thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị khác khi không có chỉ đạo của cấp trên.
b) Tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc Bộ để xử lý các vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của đơn vị đó nhưng liên quan đến lĩnh vực đơn vị mình phụ trách.
c) Báo cáo Lãnh đạo Bộ trước khi tham gia ý kiến hoặc xin ý kiến của các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
d) Báo cáo Lãnh đạo Bộ và đề xuất ý kiến giải quyết đối với những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc các vấn đề đã cùng Thủ trưởng các đơn vị khác có liên quan bàn bạc, giải quyết nhưng còn có ý kiến khác nhau.
đ) Giải quyết các công việc thường xuyên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đã quy định.
e) Trường hợp cần thiết, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp báo cáo Thứ trưởng phụ trách hoặc Bộ trưởng để xin ý kiến về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hoặc đề xuất ý kiến về công việc chung của Bộ.
g) Thủ trưởng các đơn vị khi giải quyết các vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của mình nhưng có liên quan đến chức năng của cơ quan, đơn vị khác trong Bộ phải xin ý kiến của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan (riêng các vấn đề về cơ chế, chính sách, hoặc trước khi trình Bộ ban hành, trình cấp có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật phải xin ý kiến thẩm định hoặc ý kiến về mặt pháp lý, thủ tục hành chính của Vụ Pháp chế, hoặc Văn phòng Chính phủ theo quy định) và xác định rõ thời hạn tham gia ý kiến.
Đối với các hồ sơ đề án đã đầy đủ, rõ ràng, Thủ trưởng đơn vị được hỏi ý kiến có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản đúng thời hạn theo yêu cầu của đơn vị hỏi xin ý kiến và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời; trường hợp đơn vị gửi ý kiến tham gia không xác định cụ thể thời hạn tham gia ý kiến thì đơn vị được hỏi ý kiến có trách nhiệm tham gia ý kiến trong thời hạn tối đa không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị tham gia (trừ trường hợp quy định tại khoản 2.2 Điều 25 Quy chế này). Riêng báo cáo thẩm định phải được gửi đến đơn vị chủ trì soạn thảo chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định. Trường hợp hồ sơ đề án chưa đầy đủ, chưa rõ ràng hoặc do vấn đề phức tạp cần có thêm thời gian nghiên cứu thì đơn vị được hỏi ý kiến có quyền yêu cầu cụ thể đơn vị gửi xin ý kiến cung cấp thêm tài liệu cần thiết hoặc thỏa thuận lại thời hạn trả lời, nhưng tối đa không quá 5 ngày làm việc.
Hết thời hạn đề nghị tham gia ý kiến mà không nhận được ý kiến tham gia của các đơn vị được hỏi ý kiến thì đơn vị chủ trì có quyền và chủ động trình Bộ, đơn vị được hỏi ý kiến phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc chậm tham gia ý kiến.
Đối với những công việc có yêu cầu xử lý gấp về thời gian thì đơn vị chủ trì tổ chức họp trao đổi, thống nhất ý kiến hoặc trao đổi trực tiếp với các đơn vị liên quan đảm bảo trình Lãnh đạo Bộ đúng thời hạn. Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm cử người dự họp có đủ thẩm quyền hoặc có trách nhiệm cử người tham gia trực tiếp (đối với trường hợp trao đổi trực tiếp) và chịu trách nhiệm về quyết định cử người dự họp của mình.
h) Trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng đơn vị có quyền huy động công chức, viên chức, người lao động làm thêm ngoài giờ và có trách nhiệm giải quyết các quyền lợi đối với công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật.
i) Thủ trưởng đơn vị quyết định việc cử cán bộ từ cấp phó trở xuống đi công tác trong nước. Ký văn bản cử cán bộ từ cấp phó trở xuống tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập đề án, văn bản quy phạm pháp luật.
k) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công công tác trong tập thể lãnh đạo cho phù hợp lĩnh vực công tác của đơn vị để trực tiếp chỉ đạo các phòng hoặc chuyên viên (đối với các cơ quan, đơn vị không có tổ chức phòng) thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về kết quả các mặt công tác đó.
Khi vắng mặt ở cơ quan trong ngày làm việc, phải phân công cho cấp phó quản lý, điều hành đơn vị; vắng từ 2 ngày làm việc trở lên hoặc đi công tác ra ngoài địa bàn Hà Nội phải báo cáo Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách đơn vị, đồng thời thông báo cho Chánh Văn phòng Bộ bằng văn bản. Người được phân công chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị, Thứ trưởng phụ trách, Bộ trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của đơn vị trong thời gian được phân công và phải báo cáo kết quả công tác khi Thủ trưởng có mặt tại cơ quan.
l) Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng về toàn bộ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó.
2. Ngoài phạm vi giải quyết công việc của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ nêu trên, Thủ trưởng các đơn vị: Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Tổng cục, các Cục, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ còn giải quyết các công việc sau:
a) Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản Nhà nước đúng chế độ quy định.
b) Thực hiện một số nhiệm vụ, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Lãnh đạo Bộ khi được Bộ trưởng ủy quyền.
3. Phạm vi giải quyết công việc của Chánh Văn phòng Bộ:
Ngoài các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này, Chánh Văn phòng Bộ còn có trách nhiệm:
a) Tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ và theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện chương trình công tác của Bộ; báo cáo đánh giá công tác hằng tháng, quý, 6 tháng, hằng năm của Bộ và các báo cáo khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.
b) Giúp Bộ trưởng duy trì và kiểm điểm việc thực hiện Quy chế làm việc và các quy định khác của Bộ Tài chính.
c) Giúp Bộ trưởng và các Thứ trưởng trong việc phối hợp hoạt động của Lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Làm đầu mối quan hệ công tác giữa Bộ với các cơ quan bên ngoài.
d) Báo cáo ý kiến cuối cùng đối với các văn bản trình Bộ về nội dung, phạm vi công việc, các quy định về hành chính, văn thư. Chủ trì cuộc họp với các đơn vị để bàn thống nhất các vấn đề còn có ý kiến khác nhau theo ủy quyền của Lãnh đạo Bộ.
đ) Đề xuất với Bộ trưởng về những vấn đề chủ trương, chính sách cần giao cho các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Bộ.
e) Truyền đạt, theo dõi và đôn đốc các đơn vị thực hiện các quyết định, chỉ đạo, kết luận của Lãnh đạo Bộ. Đôn đốc các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ thực hiện quy chế về công tác thông tin, báo cáo đối với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
g) Được Bộ trưởng ủy quyền chủ trì cuộc họp hội ý với Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị để đánh giá công tác hằng tháng khi tất cả Lãnh đạo Bộ bận giải quyết các công việc khác.
h) Giải quyết một số công việc cụ thể theo sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ.
i) Tổ chức thông tin kịp thời các quyết định giải quyết công việc của từng Thứ trưởng, về tình hình kinh tế - xã hội nổi bật trong và ngoài nước để Bộ trưởng và Thứ trưởng khác biết.
k) Chủ trì báo cáo Bộ ban hành chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phân công đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Tài chính.
4. Phạm vi giải quyết công việc của Lãnh đạo Cục, Vụ, Phòng ở các đơn vị thuộc Bộ có tổ chức Cục, Vụ, Phòng.
a) Chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động trong Cục, Vụ, Phòng xây dựng và thực hiện chương trình công tác bảo đảm chất lượng và thời gian.
b) Trực tiếp quản lý công chức, viên chức, người lao động trong Cục, Vụ, Phòng; phân công công việc hợp lý, phù hợp năng lực để mọi công chức, viên chức, người lao động phát huy khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động theo quy định.
c) Phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ, Phòng trong đơn vị để đề xuất xử lý kịp thời các nhiệm vụ công tác được giao.
d) Cục trưởng, Vụ trưởng, Trưởng phòng phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cấp phó, Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng phòng được phân công phụ trách những công việc nhất định. Theo nhiệm vụ được phân công, Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng phòng chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động dưới quyền thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, Vụ trưởng, Trưởng phòng về kết quả các mặt công tác đó. Cục trưởng, Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ, Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị về toàn bộ công việc thuộc chức năng thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng phòng.
Trên đây là nội dung quy định về trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 469/QĐ-BTC năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật