Cơ quan điều tra chống bán phá giá thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra chống bán phá giá được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Em là sinh viên khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM. Học kỳ này em đang học môn Luật Thương mại quốc tế. Trong quá trình học, khi tìm hiểu về cơ chế chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào nước ta, em thấy một vài tài liệu đề cập đến cơ quan điều tra chống bán phá giá. Vậy, pháp luật hiện hành trao những nhiệm vụ, quyền hạn gì cho cơ quan điều tra chống bán phá giá? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Em xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Trương Ngọc Hiền (hien***@gmail.com)

Ngày 04/8/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là Pháp lệnh Chống bán phá giá) về Cơ quan điều tra chống bán phá giá, Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá; thủ tục, nội dung điều tra và việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra chống bán phá giá là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 7 Nghị định 90/2005/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:

1. Ban hành mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và bản câu hỏi điều tra.

2. Thực hiện các nhiệm vụ điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Pháp lệnh Chống bán phá giá và Nghị định này.

3. Yêu cầu các bên liên quan cung cấp các thông tin cần thiết và các tài liệu có liên quan đến vụ việc chống bán phá giá.

4. Tổ chức phiên tham vấn với các bên liên quan.

5. Công bố kết luận sơ bộ về các nội dung liên quan đến quá trình điều tra.

6. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại xem xét, quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời trong trường hợp cần thiết.

7. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại xem xét việc chấp nhận, không chấp nhận hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết trên cơ sở đề xuất tự nguyện của các nhà sản xuất, xuất khẩu có liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh Chống bán phá giá.

8. Công bố kết luận cuối cùng về các nội dung liên quan đến quá trình điều tra.

9. Tiến hành rà soát việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại;

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra chống bán phá giá. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 90/2005/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chống bán phá giá

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào