Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng
Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng được quy định Tiểu mục 4 Mục I Thông tư liên tịch 04/2007/TTLT-BXD-BCA hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng do Liên bộ Bộ Xây dựng và Bộ Công an ban hành. Cụ thể là:
a) Khi xem xét vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, cơ quan có thẩm quyền, cá nhân tham gia thanh tra, điều tra phải xác định rõ tính chất vụ việc là dân sự, kinh tế, hành chính hay hình sự để xác định đúng thẩm quyền, áp dụng đúng quy định pháp luật, tránh gây phiền hà, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;
b) Tổ chức, cá nhân tự nguyện, kịp thời khắc phục hậu quả thiệt hại do có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng thì được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để khắc phục hậu quả trái với quy định của pháp luật;
c) Phải đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về nguyên nhân, tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng; trường hợp cần thiết thì phải tiến hành trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật;
d) Những người quy định tại điểm b khoản 3 mục I của Thông tư này phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng thuộc phạm vi quản lý và tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời về nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 04/2007/TTLT-BXD-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật