Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 21/10/2017) về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thì nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quy định như sau:
1. Cân đối, bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ở nước ngoài trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Ngoài cơ quam này, thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn như sau (Điều 40):
1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
3. Cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo thẩm quyền.
4. Tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài theo thẩm quyền.
5. Quản lý và biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền.
6. Quản lý cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên theo thẩm quyền.
7. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo thẩm quyền.
8. Các bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định điều kiện các cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức chuyên ngành.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!