Xác định giá trị vườn cây cao su kinh doanh như thế nào?
Việc xác định giá trị vườn cây cao su kinh doanh được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC về hướng dẫn phương pháp xác định giá trị rừng trồng, vườn cây để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Giá trị thực tế vườn cây cao su kinh doanh, được xác định cho từng diện tích (ha) của vườn cây theo tuổi (i), cụ thể:
Gi kd = (Giclđc x HSikd) + Gihttl
Trong đó:
- Gi kd: là giá trị thực tế vườn cây (ha) tuổi i;
- Giclđc: là giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su tuổi i;
- HSikd: là hệ số phân loại thực tế của vườn cây tuổi i;
- Gihttl là giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh tuổi i.
2. Giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su (Giclđc)
Giá trị còn lại đã điều chỉnh của vườn cây cao su tuổi i = Nguyên giá vườn cây đã được đánh giá lại - Giá trị đã khấu hao lũy kế đến thời điểm xác định giá trị, trong đó:
a) Nguyên giá vườn cây cao su đã được đánh giá lại: Được xác định theo suất đầu tư nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm cho công ty hoặc theo địa bàn tại thời điểm xác định giá trị.
b) Giá trị đã khấu hao lũy kế: Được tính từ năm vườn cây bắt đầu khai thác đến thời điểm định giá trên cơ sở nguyên giá vườn cây cao su đánh giá lại và tỷ lệ khấu hao hàng năm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành.
3. Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh (Gihttl):
Giá trị hiện tại vườn cây thanh lý:
Gihttl = [( D –P ) x ( 1 - T ) x 85%] / [(1+K)(n+m-i)]
Trong đó:
a) D: Doanh thu thanh lý vườn cây = Giá trị thanh lý/cây x Số cây cao su thực tế thanh lý x (1 - tỷ lệ gãy đổ bình quân)(n+m-i), trong đó:
- Giá trị thanh lý/cây: Được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền trong thời gian 03 năm liền kề năm xác định giá trị vườn cây, theo công thức:
Giá trị thanh lý bình quân/cây 3 năm liền kề năm xác định = (Tổng doanh thu thanh lý vườn cây 3 năm) / (Tổng số cây thanh lý trong 3 năm)
Trong trường hợp công ty xác định giá trị vườn cây không có vườn cây thanh lý đủ 3 năm thì năm không có thanh lý cao su được sử dụng số liệu giá trị thanh lý/cây của công ty cao su cùng trên địa bàn tỉnh, trong trường hợp trong tỉnh có nhiều công ty thì lấy số liệu ở công ty gần nhất tính theo đường huyện lộ hoặc tỉnh lộ.
- Số cây cao su thực tế thanh lý: Là số cây cao su của vườn cây cao su tại thời điểm xác định giá trị.
- Tỷ lệ cây gãy đổ bình quân (cây gãy đổ/tổng số cây hữu hiệu): Theo thống kê thực tế từng công ty trong thời gian 03 năm liền kề với năm xác định giá trị (không bao gồm số cây gãy đổ, chết do thiên tai bão, lốc, hỏa hoạn, địch họa) với tỷ lệ tối đa không vượt 1,5%.
b) P: Chi phí thanh lý bằng 0,5% doanh thu thanh lý
c) T: tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm xác định giá trị
d) 85%: là tỷ lệ dự kiến dành để chia cổ tức của phần thu nhập từ cây cao su thanh lý
đ) K: Tỷ lệ chiết khấu hay tỷ lệ hoàn vốn cần thiết của các nhà đầu tư khi mua cổ phần và được xác định theo công thức: K = Rf + Rp
e) Rf: Lãi suất của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm đã phát hành ở thời điểm gần nhất với thời điểm cổ phần hóa công ty.
g) Rp: Tỷ lệ phụ phí rủi ro khi đầu tư mua cổ phần của các công ty ở Việt Nam, chỉ tiêu này được xác định theo bảng chỉ số phụ phí rủi ro chứng khoán quốc tế.
h) i: là độ tuổi thực tế của vườn cây cao su ( nếu i ≥ 27 thì tính bằng 27)
i) m: là số năm xây dựng cơ bản vườn cây (7 năm).
k) n: là thời gian khai thác vườn cây cao su (20 năm).
4. Hạch toán phần giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh: Giá trị hiện tại của giá trị thanh lý vườn cây cao su đang kinh doanh sẽ được hạch toán một lần vào chi phí kinh doanh tại thời điểm thanh lý vườn cây cao su đó.
Trên đây là nội dung quy định về việc xác định giá trị vườn cây cao su kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật