Quy trình bổ nhiệm vào ngạch giáo sư đối với các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học công lập
Quy trình bổ nhiệm vào ngạch giáo sư đối với các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học công lập được quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 20/2001/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản A Mục II Thông tư 22/2003/TT-BNV. Cụ thể là:
- Cơ sở giáo dục đại học và sau đại học xác định số người đủ điều kiện bổ nhiệm vào ngạch giáo sư lập danh sách và có văn bản đề nghị Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ) hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các đối tượng là nhà giáo thuộc biên chế giảng viên, đang xếp lương ở các ngạch giảng viên thuộc bảng lương ngành giáo dục và đào tạo (bảng lương 15) ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang; đã có quyết định công nhận chức danh giáo sư của Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; hoặc có quyết định phong học hàm giáo sư của Chủ tịch Hội đồng học vị và chức danh khoa học nhà nước hoặc của Chủ tịch Hội đồng Học hàm nhà nước; và đã được cơ sở giáo dục đại học và sau đạt học được giao quản lý biên chế của nhà giáo xác định có nhu cầu công việc, vị trí công tác, trong biên chế giảng dạy và đủ thời gian trực tiếp giảng dạy theo số giờ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bộ, tỉnh xem xét và có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ nhiệm nhà giáo đủ điều kiện vào ngạch giáo sư.
- Bộ Nội vụ thẩm định danh sách đề nghị bổ nhiệm nhà giáo vào ngạch giáo sư của Bộ, tỉnh, lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định bổ nhiệm vào ngạch giáo sư đối với nhà giáo đủ tiêu chuẩn.
Trên đây là nội dung tư vấn về quy trình bổ nhiệm vào ngạch giáo sư đối với các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học công lập. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 20/2001/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật