Yêu cầu giải trình khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong cơ quan nhà nước
Yêu cầu giải trình trong cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao được quy định tại Điều 11 Nghị định 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao như sau:
1. Yêu cầu giải trình được thực hiện bằng văn bản hoặc trực tiếp tại cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình.
2. Yêu cầu giải trình bằng văn bản phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu giải trình, thì văn bản yêu cầu giải trình phải được dịch sang tiếng Việt;
b) Thể hiện rõ nội dung yêu cầu giải trình;
c) Ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ) của người yêu cầu giải trình.
3. Yêu cầu giải trình trực tiếp:
a) Người yêu cầu giải trình trình bày rõ ràng nội dung yêu cầu với cán bộ, công chức tiếp nhận yêu cầu giải trình.
Trường hợp nhiều người cùng yêu cầu giải trình về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày. Việc cử người đại diện được thể hiện bằng văn bản;
b) Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài yêu cầu giải trình thì người đó phải sử dụng người phiên dịch tiếng Việt của mình trong quá trình thực hiện yêu cầu giải trình;
c) Cán bộ, công chức tiếp nhận yêu cầu giải trình phải thể hiện trung thực nội dung yêu cầu giải trình bằng văn bản; ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ) của người yêu cầu giải trình;
d) Người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
- Việc tiếp nhận yêu cầu giải trình trong trường hợp nhiều người yêu cầu giải trình về cùng một nội dung được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 02/2014/TT-TTCP
Trên đây là nội dung tư vấn về yêu cầu giải trình trong cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao . Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 90/2013/NĐ-CP.
Trân trọng thông tin đến bạn!