Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được thực hiện thông qua hình thức nào?

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện thông qua hình thức nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên năm cuối tại khoa Luật Hành chính, ĐH Luật Hà Nội. Hiện tại, em đang thu thập thông tin để hoàn thành bài tiểu luận về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, có một số vấn đề em còn chưa nắm rõ, cụ thể là em đã tìm hiểu mục đích của việc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng em không biết việc kiểm tra này được thực hiện thông qua hình thức nào? Và có văn bản nào quy định về những hình thức này không? Mong Ban biên tập tư vấn giúp em. Cảm ơn các anh chị rất nhiều! Thanh Nam (nam***@gmail.com)

Hình thức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định tại Điều 22 Quy chế làm việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định 486/QĐ-LĐTBXH năm 2017 như sau:

1. Đơn vị tự kiểm tra:

a) Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ thường xuyên tổ chức tự kiểm tra việc thi hành các văn bản, công việc được giao tại đơn vị, phát hiện các vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.

b) Định kỳ cuối mỗi quý, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện các văn bản, các công việc được Lãnh đạo Bộ giao theo thẩm quyền ở đơn vị mình.

2. Bộ tiến hành kiểm tra:

a) Bộ tiến hành kiểm tra dưới những hình thức sau:

- Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ và các công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra phải tiến hành làm việc trực tiếp tại đơn vị cần kiểm tra để nắm tình hình;

- Lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ báo cáo bằng văn bản về tình hình và kết quả thực hiện các văn bản, công việc được giao;

- Tổ công tác giúp việc Bộ trưởng thực hiện kiểm tra hoặc Bộ trưởng ủy quyền cho một cán bộ cấp Vụ, Cục chủ trì việc kiểm tra hoặc quyết định thành lập các đoàn kiểm tra việc thi hành các văn bản trong từng lĩnh vực công việc cần tập trung chỉ đạo trong từng thời kỳ. Đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng đề cương kiểm tra, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và triển khai thực hiện;

- Hình thức khác do Bộ trưởng quyết định.

b) Thủ trưởng đơn vị chủ trì việc kiểm tra, sau khi tiến hành kiểm tra phải có văn bản báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả kiểm tra; thông báo cho đơn vị được kiểm tra và các đơn vị có liên quan trong Bộ. Nếu phát hiện có sai phạm thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, đồng thời theo dõi việc xử lý sau khi kiểm tra, yêu cầu đơn vị được kiểm tra khắc phục những sai phạm theo quyết định của cấp có thẩm quyền, báo cáo kết quả khắc phục sau kiểm tra với Lãnh đạo Bộ.

c) Văn phòng Bộ tổng hợp chung, báo cáo Lãnh đạo Bộ tình hình kiểm tra việc thi hành các văn bản, các công việc được Lãnh đạo Bộ giao tại Hội nghị giao ban, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và Hội nghị tổng kết công tác năm của Bộ.

Trên đây là nội dung quy định về hình thức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 486/QĐ-LĐTBXH năm 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào