Phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định tại Điều 6 Quy chế làm việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định 486/QĐ-LĐTBXH năm 2017 như sau:
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về toàn bộ hoạt động của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Bộ trưởng giao. Điều hành đơn vị thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế của Bộ, các quy định của địa phương nơi có trụ sở của đơn vị; chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện công việc được giao và công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc ủy quyền cho cấp phó.
- Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác năm, quý và tháng của đơn vị; đôn đốc và kiểm tra công chức, viên chức thuộc quyền quản lý thực hiện kế hoạch công tác đó; báo cáo định kỳ và đột xuất kết quả công tác của đơn vị với Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách và cơ quan chuyên môn.
- Tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng; xử lý văn bản đến, phân công công việc cho cấp phó xem xét, nghiên cứu đề xuất hoặc giải quyết theo thẩm quyền. Hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra các công việc đã phân công đảm bảo tiến độ, chất lượng.
- Những công việc vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Thứ trưởng phụ trách hoặc Bộ trưởng cho ý kiến chỉ đạo, không chuyển công việc thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của đơn vị mình sang đơn vị khác hoặc lên Lãnh đạo Bộ; không giải quyết công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị khác.
- Chủ động đề xuất chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của đơn vị để Bộ xem xét xử lý, giải quyết theo quy định. Quản lý đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị theo đúng quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra và báo cáo việc thực hiện quy chế làm việc của đơn vị theo hướng dẫn của Bộ.
- Tham dự đầy đủ các buổi giao ban định kỳ và các cuộc họp khác do cấp có thẩm quyền triệu tập (chỉ cử cấp phó đi họp thay khi được người chủ trì cuộc họp đồng ý). Tổ chức triển khai kịp thời những nội dung kết luận sau cuộc họp.
- Tổ chức và chủ trì các cuộc họp sơ kết, tổng kết, kiểm điểm công tác của đơn vị.
- Khi được Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ủy quyền đại diện cho Bộ tham dự các cuộc họp, hội nghị của Bộ, ngành, địa phương, trả lời phỏng vấn báo chí, thông tin đại chúng thì chỉ phát biểu những nội dung đã được Bộ trưởng, Thứ trưởng thông qua; nếu nội dung chưa được thông qua thì chỉ được phát biểu với tư cách cá nhân và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về phát biểu của mình.
- Các nội dung trước khi trình Lãnh đạo Bộ hoặc trình cơ quan cấp trên, thủ trưởng đơn vị phải rà soát hồ sơ, thủ tục, nội dung dự thảo và ghi rõ ý kiến của mình trong tờ trình. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về các đề xuất hoặc quyết định của mình với cấp trên và trước pháp luật.
- Phối hợp, tham gia ý kiến với thủ trưởng các đơn vị khác thuộc Bộ để xử lý những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.
- Khi đi công tác, nghỉ phép, không có mặt ở cơ quan từ 02 ngày làm việc trở lên phải báo cáo Bộ trưởng bằng văn bản và thông báo cho Chánh Văn phòng Bộ. Phải ủy quyền bằng văn bản cho 01 (một) phó thủ trưởng đơn vị quản lý, điều hành đơn vị. Người được ủy quyền chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị, trước Bộ trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của đơn vị trong thời gian được ủy quyền.
- Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định tại Quy chế này. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung thông tin, báo cáo của đơn vị.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng và các Thứ trưởng giao.
Trên đây là nội dung quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 486/QĐ-LĐTBXH năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật