Phạm vi, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Phạm vi, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Cát. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm về hoạt động của cơ quan chủ quản cấp trên. Cho tôi hỏi, pháp luật hiện hành quy định ra sao về trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội? Văn bản nào quy định vấn đề này? Rất mong nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Thanh Phong (phong***@gmail.com)

Phạm vi, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định tại Điều 4 Quy chế làm việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định 486/QĐ-LĐTBXH năm 2017 như sau:

1. Phạm vi giải quyết công việc của Thứ trưởng:

Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công phụ trách một hoặc một số lĩnh vực và địa bàn công tác; phụ trách một số cơ quan, đơn vị và được sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng, nhân danh Bộ trưởng khi giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công theo nguyên tắc:

a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực được phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về những quyết định của mình;

b) Chủ động giải quyết công việc được phân công, nếu nội dung cần giải quyết liên quan đến lĩnh vực của Thứ trưởng khác phụ trách thì trao đổi, phối hợp với Thứ trưởng đó để giải quyết; trường hợp cần có ý kiến của Bộ trưởng hoặc giữa các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau, phải báo cáo Bộ trưởng quyết định;

c) Đối với những vấn đề thuộc về chủ trương hoặc có tính nguyên tắc mà chưa có văn bản quy định hoặc những vấn đề nhạy cảm dễ gây tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, tình hình của ngành, việc ký kết thỏa thuận quốc tế và các vấn đề quan trọng khác thì Thứ trưởng phải xin ý kiến Bộ trưởng trước khi giải quyết;

d) Khi Bộ trưởng điều chỉnh sự phân công giữa các Thứ trưởng thì các Thứ trưởng phải bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu liên quan và báo cáo Bộ trưởng;

đ) Thay mặt Bộ trưởng chỉ đạo giải quyết các công việc chung của Bộ và ký văn bản thuộc thẩm quyền Bộ trưởng khi Bộ trưởng ủy quyền;

e) Giải quyết một số công việc cấp bách của Thứ trưởng khác khi Thứ trưởng đó vắng mặt theo sự phân công của Bộ trưởng.

2. Trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Thứ trưởng:

a) Chỉ đạo việc thực hiện công tác quản lý nhà nước, gồm: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quản lý khác trong lĩnh vực được Bộ trưởng phân công;

b) Chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về hiệu quả, tiến độ thực hiện đối với các nội dung công việc thuộc lĩnh vực, địa bàn công tác và hoạt động của các đơn vị được Bộ trưởng phân công;

c) Chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quyết định của Bộ trưởng trong phạm vi được phân công; chủ động phát hiện và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung;

d) Xử lý, ký các công văn, quyết định và các văn bản khác do Bộ trưởng phân công hoặc ủy quyền;

đ) Định kỳ (hàng tháng) báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện nội dung công việc được giao;

e) Thứ trưởng đi công tác từ 02 ngày làm việc trở lên phải báo cáo Bộ trưởng; nghỉ từ 01 ngày làm việc trở lên phải báo cáo và được sự đồng ý của Bộ trưởng.

Trên đây là nội dung quy định về phạm vi, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 486/QĐ-LĐTBXH năm 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào