Trình tự, thủ tục tiêu hủy và giám sát tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như thế nào?

Trình tự, thủ tục tiêu hủy và giám sát tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như thế nào? Chào Quý anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi đang muốn tìm hiểu quy định hiện hành của pháp luật về trình tự, thủ tục tiếp nhận thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, có một số vấn đề tôi chưa rõ lắm. Chính vì vậy, tôi có câu hỏi này mong nhận được sự tư vấn của Quý ban biên tập. Nội dung thắc mắc như sau: Việc tiêu hủy và giám sát tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập! Tôi chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe anh/chị rất nhiều. Hoàng Nam (nam***@gmail.com)

Trình tự, thủ tục tiêu hủy và giám sát tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 12 Nghị định 26/2012/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như sau:

1. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được thống kê, phân loại để xác định chất lượng và giá trị sử dụng phục vụ cho việc xử lý.

3. Trình tự, thủ tục tiêu hủy

a) Cơ quan đề nghị thanh lý sau khi được Hội đồng thanh lý cho phép tiêu hủy phải đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp của đơn vị cấp Trung đoàn phê duyệt thành lập Hội đồng tiêu hủy và phương án tiêu hủy. Hội đồng tiêu hủy có trách nhiệm giám sát trong suốt quá trình tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm:

- Đại diện lãnh đạo cơ quan đề nghị thanh lý là Chủ tịch Hội đồng.

- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật về quân khí và cơ quan môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng.

b) Phương án tiêu hủy

Phương án tiêu hủy bao gồm các nội dung sau: Số lượng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải tiêu hủy; thời gian, địa điểm, hình thức tiêu hủy; biện pháp bảo đảm an toàn, bảo đảm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và các yêu cầu cần thiết khác.

c) Trường hợp số vũ khí, vật liệu nổ có nguy cơ mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp thì không phải thành lập Hội đồng thanh lý, tiêu hủy mà Thủ trưởng cơ quan Quân đội, Công an cấp huyện, cấp Trung đoàn trở lên quyết định tiêu hủy. Sau khi tiêu hủy phải báo cáo bằng văn bản gửi lãnh đạo cấp trên có thẩm quyền quyết định thanh lý.

d) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra tại hiện trường, bảo đảm tất cả vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 26/2012/NĐ-CP.

Trân trọng thông tin đến bạn!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào