Lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức thế nào trong Quân đội nhân dân?

Việc tổ chức kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954) trong Quân đội nhân dân được quy định thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Lao động xã hội cơ sở 1. Hiện tại em đang tìm hiểu về cách thức tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trao tặng, đón nhận các danh hiệu khen thưởng, thi đua trong Quân đội nhân dân. Qua một số tài liệu em được biết, các nghi lễ trong môi trường Công an và Quân đội thường diễn ra rất trang trọng. Vậy, đối với các dịp lễ quan trọng đối với cả nước chẳng hạn như ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ thì các đơn vị trong Quân đội tổ chức kỷ niệm ra sao? Nội dung này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong Quý chuyên gia dành thời gian hỗ trợ giúp em. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Hà Giang (giang***@gmail.com)

Ngày 01/12/2016, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 199/2016/TT-BQP quy định và hướng dẫn tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, Thông tư này quy định và hướng dẫn tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam và áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, ngành, lực lượng (sau đây gọi chung là các đơn vị) thuộc Bộ Quốc phòng và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc tổ chức kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954) trong Quân đội nhân dân là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 7 Thông tư 199/2016/TT-BQP. Cụ thể như sau:

1. Năm lẻ 5, năm khác:

a) Các đơn vị không tổ chức mít tinh kỷ niệm; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm; tham gia viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang do địa phương tổ chức (nếu có);

b) Các Cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, đưa tin về sự kiện;

c) Các đơn vị văn hóa, nghệ thuật xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tổ chức triển lãm, chiếu phim phục vụ bộ đội và nhân dân;

đ) Trường hợp đặc biệt, Tổng cục Chính trị có hướng dẫn thực hiện cụ thể.

2. Năm tròn:

a) Các đơn vị tổ chức cho bộ đội theo dõi chương trình Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam phát trực tiếp Lễ kỷ niệm cấp quốc gia;

b) Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức các hoạt động kỷ niệm; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua trong Quân đội;

c) Bộ Tổng Tham mưu chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện đề án mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành của Nhà nước; chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện;

d) Các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động kỷ niệm; chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; đẩy mạnh các hoạt động thi đua, lập thành tích chào mừng sự kiện; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa;

đ) Các hoạt động khác tổ chức như năm lẻ 5, năm khác.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc tổ chức kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954) trong Quân đội nhân dân. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 199/2016/TT-BQP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào