Quyết định và thi hành quyết định đưa vào Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội
Quyết định và thi hành quyết định đưa vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư liên tịch 14/2012/TTLT-BLĐTBXH-BCA hướng dẫn chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh và đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Công an ban hành như sau:
Điều 7. Quyết định đưa vào Trung tâm
1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Hội đồng Tư vấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, Quyết định việc đưa vào Trung tâm.
2. Quyết định đưa vào Trung tâm (Mẫu số 02) phải được gửi cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm, gia đình người đó, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an, Hội đồng nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Điều 8. Thi hành Quyết định đưa vào Trung tâm
1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định, Công an quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt là Công an cấp huyện) có trách nhiệm đưa người phải chấp hành Quyết định vào Trung tâm; việc thi hành Quyết định phải được lập thành biên bản (Mẫu số 03). Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại Công an cấp huyện, một bản gửi kèm hồ sơ đưa người vào Trung tâm.
2. Trường hợp người có Quyết định đưa vào Trung tâm nhưng chưa đưa đi chấp hành Quyết định mà có đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành Quyết định thì phải tiếp nhận, xem xét ngay. Nếu thấy có đủ điều kiện để được hoãn hoặc miễn theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này thì Trưởng Công an cấp huyện phải có văn bản đề xuất, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ra Quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành Quyết định cho người đó và thông báo cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện biết.
Thời gian chấp hành Quyết định đưa vào Trung tâm được tính từ ngày người bị áp dụng biện pháp này được đưa đi chấp hành Quyết định (bao gồm cả thời gian đi đường và thời gian lưu giữ hành chính).
3. Người phải chấp hành Quyết định đưa vào Trung tâm hoặc người bị bắt giữ theo Quyết định truy tìm, nếu không tự giác chấp hành hoặc có hành vi chống đối thì có thể bị khóa tay để áp giải hoặc bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết khác theo quy định của pháp luật để buộc phải chấp hành. Trường hợp hành vi chống đối có dấu hiệu của tội phạm thì phải lập hồ sơ để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về quyết định và thi hành quyết định đưa vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 14/2012/TTLT-BLĐTBXH-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật