Cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ ban hành thì cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quy định như sau:
1. Lãnh đạo Sở:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Giám đốc và các Phó Giám đốc. Số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 03 người;
b) Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và các công việc được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công hoặc ủy quyền; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có yêu cầu; cung cấp tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về những vấn đề trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý; phối hợp với Giám đốc Sở khác, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của Sở;
c) Phó Giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở phụ trách một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Sở;
d) Việc bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chức danh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và theo quy định của pháp luật. Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không kiêm nhiệm Chi cục trưởng. Trường hợp phải kiêm nhiệm thì thời gian kiêm nhiệm không quá 12 tháng. Việc miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở:
Số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, văn phòng và thanh tra không quá 06, cụ thể:
a) Các tổ chức được thành lập thống nhất ở các địa phương gồm:
- Văn phòng Sở (thực hiện nhiệm vụ quản lý về hành chính, văn thư, quản trị, tài sản, theo dõi tổng hợp, pháp chế, hợp tác quốc tế);
- Thanh tra Sở;
- Phòng Kế hoạch, Tài chính (thực hiện nhiệm vụ quản lý về quy hoạch, kế hoạch, tài chính, khoa học, công nghệ và môi trường);
- Phòng Tổ chức cán bộ (thực hiện nhiệm vụ quản lý về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, biên chế công chức, vị trí việc làm, số lượng người làm việc, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, cải cách hành chính);
b) Các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ được thành lập phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, gồm: Phòng Thủy sản (thành lập ở các tỉnh, thành không có Chi cục Thủy sản); Phòng Quản lý xây dựng công trình.
Việc thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở phải bảo đảm bao quát đầy đủ các lĩnh vực công tác của Sở; rõ chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của phòng và tổ chức khác thuộc Sở; đối với những chuyên ngành, lĩnh vực đã thành lập Chi cục trực thuộc Sở thì không thành lập phòng chuyên môn nghiệp vụ cùng ngành, lĩnh vực đó và không giao nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Chi cục sang các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng thuộc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Các Chi cục thuộc Sở:
Số lượng Chi cục quản lý chuyên ngành được tổ chức lại đảm bảo tinh, gọn không quá 07 Chi cục.
Chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, có trụ sở, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần thiết thành lập thêm Phòng thuộc Chi cục, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Đề án gửi Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất trước khi quyết định.
Các Chi cục thuộc Sở gồm:
a) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật:
- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, giúp Giám đốc Sở quản lý chuyên ngành về trồng trọt và bảo vệ thực vật.
- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về sản xuất trồng trọt, giống cây trồng nông nghiệp, sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, phân bón, bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật nội địa, thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng và quản lý dịch vụ công thuộc phạm vi lĩnh vực được giao trên địa bàn tỉnh.
- Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức bộ máy của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục không quá 04 phòng (đảm bảo bao quát được các lĩnh vực cơ bản sau đây: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; trồng trọt; bảo vệ thực vật); Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hoặc liên huyện; Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa; Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu được thành lập theo quy định của pháp luật; tổ chức sự nghiệp khác trực thuộc Chi cục (nếu có).
b) Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, giúp Giám đốc Sở quản lý chuyên ngành về chăn nuôi, thú y.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về chăn nuôi và thú y (riêng thú y thủy sản thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức bộ máy của Chi cục Chăn nuôi và Thú y gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục không quá 05 phòng (đảm bảo bao quát được các lĩnh vực cơ bản sau đây: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi; quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi; quản lý dịch bệnh); Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hoặc liên huyện; Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật; Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông (thành lập theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
c) Chi cục Kiểm lâm:
- Chi cục Kiểm lâm được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, giúp Giám đốc Sở quản lý chuyên ngành về bảo vệ và phát triển rừng.
- Chi cục Kiểm lâm là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Kiểm lâm chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục không quá 05 phòng (gồm các lĩnh vực sau: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; sử dụng và phát triển rừng; tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng); Hạt Kiểm lâm huyện (được thành lập ở các huyện có diện tích rừng và đất chưa sử dụng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp 3.000 héc ta rừng trở lên hoặc các huyện có diện tích rừng và đất chưa sử dụng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp dưới 3.000 héc ta rừng hiện đang có Hạt Kiểm lâm huyện hoặc những địa phương cần thiết phải bảo vệ rừng, quản lý các cơ sở gây nuôi động vật, thực vật rừng, các cơ sở chế biến lâm sản, đầu mối giao lưu lâm sản tập trung) hoặc Hạt Kiểm lâm liên huyện (đối với các huyện không đáp ứng tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm huyện); Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng; Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ do địa phương quản lý và các tổ chức sự nghiệp khác (nếu có).
d) Chi cục Thủy sản:
- Chi cục Thủy sản được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, giúp Giám đốc Sở quản lý chuyên ngành về thủy sản.
- Chi cục Thủy sản là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về nuôi trồng, thức ăn thuỷ sản, chất lượng giống thuỷ sản, khai thác, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức bộ máy của Chi cục Thủy sản gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục không quá 05 phòng (đảm bảo bao quát được các lĩnh vực cơ bản sau đây: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; nuôi trồng thủy sản; khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản; tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá); Trạm Thủy sản Vùng (liên huyện) được thành lập theo yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh và quy định của pháp luật trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Trạm và đảm bảo không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đã được thành lập trước đó; Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Chi cục được thành lập ở các tỉnh, thành ven biển theo yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của địa phương; tổ chức sự nghiệp khác (nếu có).
đ) Chi cục Thủy lợi:
- Chi cục Thủy lợi được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, giúp Giám đốc Sở quản lý chuyên ngành về thủy lợi; đê điều; phòng, chống thiên tai và nước sạch nông thôn.
- Chi cục Thuỷ lợi là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống lụt, bão, thiên tai, nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật.
Chi cục Thủy lợi chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức bộ máy của Chi cục Thủy lợi gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục không quá 05 phòng (đảm bảo bao quát được các lĩnh vực cơ bản sau đây: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn; quản lý đê điều; phòng, chống thiên tai); Hạt quản lý đê (đối với các tỉnh có đê cấp III trở lên) được thành lập theo quy định của pháp luật; Trạm Thủy lợi Vùng (liên huyện) được thành lập ở các tỉnh không có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt theo yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh và quy định của pháp luật trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Trạm và đảm bảo không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đã được thành lập trước đó.
e) Chi cục Phát triển nông thôn:
- Chi cục Phát triển nông thôn là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; kinh tế trang trại; kinh tế hộ; quy hoạch và bố trí, ổn định dân cư, di dân tái định cư; phát triển nông thôn; an sinh xã hội nông thôn; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; cơ điện nông nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn.
Chi cục Phát triển nông thôn chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức bộ máy của Chi cục Phát triển nông thôn gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục không quá 04 phòng (đảm bảo bao quát được các lĩnh vực sau: hành chính, tổng hợp; kinh tế hợp tác và trang trại; phát triển nông thôn và bố trí dân cư; cơ điện, ngành nghề nông thôn).
g) Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản:
- Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh; chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản và muối tại địa phương.
Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức bộ máy của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Chi cục không quá 04 phòng (được thành lập theo các lĩnh vực công tác: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; quản lý chất lượng; chế biến, thương mại nông sản); Trạm Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Vùng (liên huyện) được thành lập theo yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh và quy định của pháp luật trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Trạm và đảm bảo không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đã được thành lập trước đó; tổ chức sự nghiệp khác trực thuộc Chi cục (nếu có).
4. Tổ chức sự nghiệp trực thuộc:
a) Căn cứ vào đặc điểm và khối lượng công việc thực tế ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập (hoặc không thành lập) tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, bao gồm: Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Trung tâm Giống (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản); Ban Quản lý cảng cá, bến cá; Ban Quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ.
b) Tổ chức Khuyến nông địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 02/2010/NĐ-CPcủa Chính phủ Về Khuyến nông. Căn cứ đặc điểm cụ thể của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định Trạm Khuyến nông có lao động hợp đồng và cộng tác viên làm công tác khuyến nông trên địa bàn xã.
Trên đây là nội dung tư vấn về cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV.
Trân trọng!