Khi nào thì đơn vị giám sát ngân hàng gửi văn bản yêu cầu đối tượng giám sát giải trình?

Trường hợp đơn vị giám sát ngân hàng gửi văn bản yêu cầu đối tượng giám sát tiến hành giải trình được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Em là sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về hoạt động giám sát ngân hàng. Qua một số tài liệu, em được biết trong quá trình giám sát ngân hàng, có hai hình thức tiếp xúc với đối tượng giám sát đó là gửi văn bản yêu cầu giải trình và tiếp xúc trực tiếp. Vậy, khi nào thì đơn vị giám sát ngân hàng gửi văn bản yêu cầu đối tượng giám sát giải trình? Vấn đề này được quy định cụ thể tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Huyền Anh (anh***@gmail.com)

Ngày 01/12/2017, Thông tư 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng được thực hiện thông qua các hình thức sau:

- Gửi văn bản yêu cầu giải trình.

- Làm việc trực tiếp.

Trường hợp đơn vị giám sát ngân hàng gửi văn bản yêu cầu đối tượng giám sát tiến hành giải trình là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư 08/2017/TT- NHNN. Cụ thể như sau:

Trong trường hợp phát hiện tài liệu, thông tin, dữ liệu bị lỗi, sai hoặc không phù hợp hoặc những vấn đề có liên quan đến rủi ro và việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng trình Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng phê duyệt văn bản yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng giải trình.

Cũng theo quy định này, căn cứ thời hạn giải trình được quy định tại văn bản yêu cầu giải trình, đối tượng giám sát ngân hàng có văn bản giải trình, bao gồm cả việc hiệu chỉnh, bổ sung (trong trường hợp tài liệu, thông tin, dữ liệu bị lỗi, sai, thiếu hoặc không phù hợp) gửi đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trường hợp đơn vị giám sát ngân hàng gửi văn bản yêu cầu đối tượng giám sát tiến hành giải trình. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 08/2017/TT-NHNN.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào