Thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động thi hành án hình sự
Thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động thi hành án hình sự được quy định từ Điều 13 đến Điều 21 Thông tư liên tịch 11/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án hình sự do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành như sau:
Điều 13. Hồ sơ và gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường
1. Hồ sơ yêu cầu bồi thường gồm: Đơn yêu cầu bồi thường; bản chính hoặc bản sao văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).
2. Đơn yêu cầu bồi thường phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật TNBTCNN và các nội dung khác theo Mẫu đơn số 1a, 1b kèm theo Thông tư liên tịch này.
3. Hồ sơ yêu cầu bồi thường được gửi đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.
4. Hồ sơ yêu cầu bồi thường có thể gửi trực tiếp tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc qua bưu điện. Trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường gửi qua bưu điện thì ngày đóng dấu bưu điện nơi gửi trên bao bì được xác định là ngày gửi hồ sơ.
Điều 14. Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường
Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại, cơ quan nhận được hồ sơ phải kiểm tra hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường, nếu hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ và thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người yêu cầu bồi thường; trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường không hợp lệ hoặc vụ việc không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình hoặc không thuộc trường hợp được bồi thường, hết thời hạn giải quyết bồi thường thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ kèm theo văn bản giải thích rõ lý do cho người yêu cầu bồi thường biết.
Điều 15. Tổ chức việc giải quyết bồi thường
Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức việc giải quyết bồi thường, cử người đại diện giải quyết bồi thường (sau đây gọi là người đại diện) theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật TNBTCNN (sau đây viết tắt là Nghị định số 16).
Điều 16. Xác minh thiệt hại
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp. Trong trường hợp cần thiết theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 Luật TNBTCNN, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khỏe hoặc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về việc giải quyết bồi thường.
Thời hạn xác minh thiệt hại thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật TNBTCNN.
Điều 17. Thương lượng việc bồi thường
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại.
2. Thời hạn, thành phần, địa điểm thương lượng, nội dung biên bản thương lượng thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 19 Luật TNBTCNN và theo Mẫu 2a hoặc 2b kèm theo Thông tư liên tịch này.
3. Cuộc họp thương lượng bồi thường thiệt hại được thực hiện theo trình tự:
a) Người đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ trì cuộc họp nêu thành phần, lý do, mục đích cuộc họp; phổ biến các văn bản, quyết định làm phát sinh căn cứ giải quyết bồi thường; cơ sở xác định loại thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại, mức bồi thường, cách thức chi trả bồi thường và các vấn đề khác có liên quan đến giải quyết bồi thường;
b) Người bị thiệt hại, thân nhân người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại trình bày ý kiến về yêu cầu việc bồi thường;
c) Người thi hành công vụ gây thiệt hại trình bày ý kiến, quan điểm của mình về việc giải quyết bồi thường;
d) Các bên thảo luận, thương lượng về việc giải quyết bồi thường;
đ) Người đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ trì cuộc họp tổng hợp kết quả thương lượng và kết thúc cuộc họp;
e) Biên bản cuộc họp được lập thành 02 bản, có đủ chữ ký của các thành phần tham gia, 01 bản giao cho bên yêu cầu bồi thường, 01 bản lưu tại cơ quan giải quyết bồi thường.
Điều 18. Quyết định giải quyết bồi thường
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể gửi dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, kết quả thương lượng với người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định giải quyết bồi thường.
Quyết định giải quyết bồi thường phải có các nội dung chính theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật TNBTCNN và theo Mẫu số 3a hoặc 3b ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
2. Quyết định giải quyết bồi thường được gửi ngay cho người bị thiệt hại, cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người thi hành công vụ thi hành án hình sự gây ra thiệt hại.
3. Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra Tòa án.
Điều 19. Chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người được bồi thường
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổ chức việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường theo thủ tục quy định tại Điều 10 Nghị định số 16.
Điều 20. Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường
Người bị thiệt hại, thân nhân người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:
1. Người bị thiệt hại, thân nhân người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật TNBTCNN.
2. Hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan giải quyết bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật TNBTCNN.
Ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 22 Luật TNBTCNN được xác định là ngày thứ 11, kể từ ngày người đại diện cơ quan giải quyết bồi thường và người bị thiệt hại ký biên bản thương lượng.
3. Việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường và thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật TNBTCNN.
Điều 21. Chi trả tiền bồi thường
Căn cứ vào quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật TNBTCNN và Điều 7 Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 09 tháng 5 năm 2012 Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trên đây là nội dung quy định về thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động thi hành án hình sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 11/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật