Tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng là gì?
Ngày 01/12/2017, Thông tư 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành chính thức có hiệu lực. Theo đó, thông tư này quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng là một trong những nội dung trọng tâm và được định nghĩa tại Khoản 11 Điều 3 Thông tư 08/2017/TT-NHNN. Cụ thể như sau:
Tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng là việc Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng làm việc với đối tượng giám sát ngân hàng để kiểm tra, xác minh tính trung thực, chính xác, đầy đủ của tài liệu, thông tin, báo cáo và làm rõ những vấn đề có liên quan đến rủi ro và việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập gửi tới bạn một số thông tin về hoạt động giám sát ngân hàng như sau:
- Giám sát ngân hàng là hoạt động của đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát an toàn vi mô, giám sát an toàn vĩ mô bao gồm: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (sau đây gọi tắt là Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng).
- Giám sát tuân thủ là phương pháp giám sát ngân hàng mà theo đó đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng thực hiện giám sát hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng thông qua việc theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, các quy định khác của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; các chỉ đạo, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; việc thực hiện kết luận thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng.
- Giám sát rủi ro là phương pháp giám sát ngân hàng mà theo đó đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng thực hiện giám sát hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng thông qua việc đánh giá các loại rủi ro của từng đối tượng giám sát ngân hàng đang và sẽ gặp phải, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và các loại rủi ro khác; đánh giá rủi ro hệ thống của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phân bổ nguồn lực giám sát và đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 08/2017/TT-NHNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật