Thẩm định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin có yêu cầu kỹ thuật đặc thù được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng ngân sách nhà nước

Quy trình thẩm định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin có yêu cầu kỹ thuật đặc thù được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng ngân sách nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Văn Trịnh. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tôi có một thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp cho tôi. Cho tôi hỏi, quy trình thẩm định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin có yêu cầu kỹ thuật đặc thù được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng ngân sách nhà nước được thực hiện ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Nguyễn Văn Trịnh (trinh*****@gmail.com)

Quy trình thẩm định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin có yêu cầu kỹ thuật đặc thù được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng ngân sách nhà nước được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 47/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Cụ thể là:

a) Chủ đầu tư lập hồ sơ giải trình gửi xin ý kiến chuyên môn của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thuộc Bộ, ngành hoặc Sở Thông tin và Truyền thông của địa phương mình (sau đây gọi tắt là đơn vị chuyên trách). Trong trường hợp chủ đầu tư cũng chính là đơn vị chuyên trách thì cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm phải lập một Tổ tư vấn độc lập để xem xét, cho ý kiến đề xuất đầu tư, mua sắm. Tổ tư vấn độc lập phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Có tối thiểu 03 thành viên; các thành viên Tổ tư vấn độc lập không thuộc đơn vị chủ đầu tư; có năng lực, kinh nghiệm phù hợp;

b) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ giải trình hợp lệ, đơn vị chuyên trách hoặc Tổ tư vấn độc lập phải có văn bản góp ý kiến chuyên môn gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm và chủ đầu tư;

c) Nội dung văn bản góp ý kiến chuyên môn: Phân tích mục đích sử dụng để xác định yêu cầu của sản phẩm, dịch vụ cần đầu tư, mua sắm; đánh giá khả năng đáp ứng của sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên so với yêu cầu của sản phẩm, dịch vụ cần đầu tư, mua sắm; xác định tính xác đáng của việc không đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên và nêu rõ ý kiến kết luận đối với đề nghị của chủ đầu tư;

d) Trên cơ sở văn bản góp ý kiến chuyên môn, chủ đầu tư trình hồ sơ giải trình lên cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm để xin phê duyệt việc không đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính xác thực của các tài liệu và các phân tích, lập luận trong hồ sơ giải trình;

đ) Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ giải trình của chủ đầu tư, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm giao cho cơ quan chức năng tiến hành thẩm định để có căn cứ phê duyệt việc không đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước và chịu trách nhiệm trực tiếp về quyết định của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn về Quy trình thẩm định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin có yêu cầu kỹ thuật đặc thù được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng ngân sách nhà nước. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 47/2016/TT-BTTTT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào