Nội dung bắt buộc trên biên lai thuộc ngân sách nhà nước đã lập phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy
Nội dung bắt buộc trên biên lai thuộc ngân sách nhà nước đã lập phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy được pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 303/2016/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
a) Tên loại biên lai.
b) Ký hiệu mẫu biên lai và ký hiệu biên lai.
Ký hiệu mẫu biên lai là các thông tin thể hiện tên loại biên lai, số liên biên lai và số thứ tự mẫu trong một loại biên lai (một loại biên lai có thể có nhiều mẫu).
Ký hiệu biên lai là dấu hiệu phân biệt biên lai bằng hệ thống các chữ cái tiếng Việt và 02 chữ số cuối của năm.
Đối với biên lai đặt in, 02 chữ số cuối của năm là năm in biên lai đặt in. Đối với biên lai tự in và biên lai điện tử, 02 chữ số cuối của năm là năm bắt đầu sử dụng biên lai ghi trên thông báo phát hành hoặc năm biên lai được in ra.
Ví dụ: Tổ chức thu phí A thông báo phát hành biên lai tự in vào ngày 01/02/2017 với số lượng biên lai là 500 số. Đến hết năm 2017, tổ chức thu phí A chưa sử dụng hết 500 số biên lai đã thông báo phát hành. Tổ chức thu phí A được tiếp tục sử dụng cho đến hết 500 số biên lai đã thông báo phát hành nêu trên. Trường hợp không muốn tiếp tục sử dụng số biên lai đã phát hành nhưng chưa sử dụng thì tổ chức thu phí A thực hiện hủy các số biên lai chưa sử dụng và thực hiện Thông báo phát hành biên lai mới theo quy định.
c) Số thứ tự của biên lai là dãy số tự nhiên liên tiếp trong cùng một ký hiệu biên lai, gồm 7 chữ số. Với mỗi ký hiệu biên lai thì số thứ tự phải bắt đầu từ số 0000001.
d) Liên của biên lai là số tờ trong cùng một số biên lai. Mỗi số biên lai phải có từ 02 liên hoặc 02 phần trở lên, trong đó:
- Liên (phần) 1: lưu tại tổ chức thu;
- Liên (phần) 2: giao cho người nộp phí, lệ phí;
Các liên từ thứ 3 trở đi đặt tên theo công dụng cụ thể phục vụ công tác quản lý theo quy định của pháp luật.
đ) Tên, mã số thuế của tổ chức thu phí, lệ phí.
e) Tên loại phí, lệ phí và số tiền phí, lệ phí phải nộp.
g) Ngày, tháng, năm lập biên lai.
h) Họ tên, chữ ký của người thu tiền (trừ biên lai in sẵn mệnh giá).
i) Tên, mã số thuế của tổ chức nhận in biên lai (đối với trường hợp đặt in).
k) Biên lai được thể hiện là tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm tiếng nước ngoài thì phần ghi thêm bằng tiếng nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn “( )” hoặc đặt ngay dưới dòng nội dung ghi bằng tiếng Việt với cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt.
Chữ số ghi trên biên lai là các chữ số tự nhiên 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9.
Đồng tiền ghi trên biên lai là đồng Việt Nam. Trường hợp loại phí, lệ phí được pháp luật quy định có mức thu bằng ngoại tệ thì được thu bằng ngoại tệ hoặc thu bằng đồng Việt Nam trên cơ sở quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí.
Trường hợp khi thu phí, lệ phí nếu danh mục phí, lệ phí nhiều hơn số dòng của một biên lai thì được lập bảng kê các loại phí, lệ phí kèm theo biên lai. Bảng kê do tổ chức thu phí, lệ phí tự thiết kế phù hợp với đặc điểm của từng loại phí, lệ phí. Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo biên lai số... ngày... tháng.... năm”.
Đối với tổ chức thu phí, lệ phí sử dụng biên lai điện tử trong trường hợp cần điều chỉnh một số tiêu thức nội dung trên biên lai điện tử cho phù hợp với thực tế, tổ chức thu phí, lệ phí có văn bản trao đổi với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) xem xét và có hướng dẫn trước khi thực hiện.
Trên đây là câu trả lời về nội dung bắt buộc trên biên lai thuộc ngân sách nhà nước đã lập phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy theo quy định của pháp luật. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 303/2016/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật