Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam được quy định tại Điều 3 Quy chế làm việc của Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 2805/QĐ-NHNN năm 2014 như sau:
1. Trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, điều hành Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo đúng quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, Quy chế làm việc của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan;
b) Phân công công việc cho các Phó Thống đốc; ủy quyền cho Trưởng Văn phòng đại diện, giám đốc Chi nhánh giải quyết một số công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước; ủy quyền cho Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số công việc cụ thể trong khuôn khổ pháp luật; chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan khác để xử lý các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước hoặc các vấn đề do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức tín dụng, các cơ quan, tổ chức khác, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng;
d) Ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Thống đốc.
2. Phạm vi giải quyết công việc:
a) Những công việc thuộc thẩm quyền quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Quy chế làm việc của Chính phủ, các văn bản pháp luật liên quan và những công việc quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Những công việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc ủy quyền;
c) Trực tiếp giải quyết một số việc tuy đã giao cho Phó Thống đốc, nhưng thấy cần thiết vì nội dung quan trọng, hoặc những việc liên quan đến từ hai Phó Thống đốc trở lên nhưng các Phó Thống đốc có ý kiến khác nhau;
d) Trực tiếp giải quyết hoặc phân công một Phó Thống đốc xử lý các công việc của Phó Thống đốc khác khi Phó Thống đốc đó vắng mặt.
đ) Ủy quyền hoặc phân công một Phó Thống đốc trực điều hành công việc chung của Ngân hàng Nhà nước khi Thống đốc vắng mặt.
3. Những công việc cần thảo luận tập thể Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (Thống đốc và các Phó Thống đốc) trước khi Thống đốc quyết định:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Ngân hàng;
b) Chương trình công tác, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và dài hạn của ngành; các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Kế hoạch của ngành triển khai các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của cấp trên đã ban hành;
d) Các chương trình, dự án trọng điểm của ngành;
đ) Kế hoạch phân bổ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kinh phí hàng năm của Ngân hàng Nhà nước;
e) Công tác tổ chức bộ máy và nhân sự của Ngân hàng Nhà nước, công tác nhân sự của các ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước trên 50% vốn theo quy định;
g) Báo cáo hàng năm về tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành và kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước;
h) Những vấn đề về ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, kế hoạch thực hiện các cam kết bảo đảm hội nhập quốc tế;
i) Những vấn đề khác mà Thống đốc thấy cần thiết phải đưa ra thảo luận.
Trong trường hợp không có điều kiện tổ chức thảo luận tập thể, theo chỉ đạo của Thống đốc, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ được phân công phối hợp với Văn phòng lấy ý kiến các Phó Thống đốc bằng văn bản, trình Thống đốc quyết định.
Sau khi các Phó Thống đốc đã có ý kiến, Thống đốc là người đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trên đây là nội dung quy định về trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2805/QĐ-NHNN năm 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật