Sơ tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân gồm những nội dung nào?
Ngày 14/01/2010, Bộ Công an ban hành Thông tư 03/2010/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác tuyển sinh, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân. Theo đó, Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác tuyển sinh, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân và áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương và các học viện, trường Công an nhân dân; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác tuyển sinh, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân.
Việc sơ tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân là một trong những nội dung quan trọng và được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 03/2010/TT-BCA. Cụ thể như sau:
Sơ tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân bao gồm đăng ký dự thi; kiểm tra sức khoẻ, học lực, hạnh kiểm, năng khiếu và thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Công an.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập gửi tới bạn một số thông tin về các hoạt động cụ thể của Công an các đơn vị, địa phương đối với công tác tuyển sinh như sau:
- Công an các đơn vị, địa phương phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở cơ quan về: thông báo tuyển sinh, chỉ tiêu, đối tượng, tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục và thời gian sơ tuyển, xét tuyển vào các ngành, chuyên ngành, hệ đào tạo, cấp học của các học viện, trường Công an nhân dân và gửi đào tạo ở các trường ngoài ngành, nước ngoài để cán bộ, chiến sĩ, công dân và học sinh có nhu cầu biết, tự nguyện đăng ký sơ tuyển, thi hoặc xét tuyển (trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước); công khai số điện thoại của cơ quan, họ tên cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của Công an đơn vị, địa phương.
- Thông báo công khai các khoản thu lệ phí sơ tuyển, đăng ký dự thi, dự thi, xét tuyển và nhập học theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an; cung cấp những thông tin cần thiết (trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước) về tuyển sinh hàng năm, tạo mọi điều kiện để cán bộ, chiến sĩ, công dân và học sinh được đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân theo nguyện vọng.
- Công an các đơn vị, địa phương có thí sinh đăng ký sơ tuyển, dự thi vào các học viện, trường Công an nhân dân phải thành lập Hội đồng tuyển sinh để tổ chức chỉ đạo công tác tuyển sinh của đơn vị, địa phương. Hội đồng tuyển sinh phải bảo đảm đúng, đủ thành phần theo quy định của Bộ Công an và chỉ tiến hành họp khi có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng tham dự. Hội đồng tuyển sinh làm việc công khai, dân chủ và quyết định theo đa số.
- Cơ quan Tổ chức cán bộ thuộc Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cơ quan lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh của đơn vị; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác sơ tuyển, tuyển sinh của các đơn vị trực thuộc, Công an cấp quận, huyện hoặc tương đương; có trách nhiệm tiếp nhận, đề xuất và trực tiếp giải quyết, xử lý mọi thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của cán bộ chiến sĩ, công dân và học sinh về công tác tuyển sinh của đơn vị, địa phương theo quy định.
- Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm thông báo kết quả sơ tuyển, các thông tin về kết quả tuyển sinh, chuyển giấy báo thi, giấy chứng nhận kết quả điểm thi, giấy chiêu sinh nhập học đến thí sinh theo đúng thời gian quy định; hoàn thành thủ tục, hồ sơ nhập học cho thí sinh trúng tuyển được các trường chiêu sinh theo quy định.
Như vậy, căn cứ quy định này, ở giai đoạn sơ tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân sẽ bao gồm các hoạt động: đăng ký dự thi; kiểm tra sức khoẻ, học lực, hạnh kiểm, năng khiếu và thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Công an.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc sơ tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 03/2010/TT-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật