Phương pháp kiểm kê tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá như thế nào?
Phương pháp kiểm kê tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá được quy định tại Điều 60 Thông tư 01/2014/TT-NHNN quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành như sau:
1. Kiểm kê hiện vật các loại tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá để đảm bảo sự khớp đúng giữa tồn quỹ thực tế với số dư trên sổ kế toán và sổ quỹ (hoặc sổ theo dõi xuất nhập tài sản).
2. Các thành viên tham gia kiểm kê phải trực tiếp kiểm đếm từng bó, túi, bao, hộp, thùng tiền nguyên niêm phong đối với tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá đã đóng gói theo quy định; xem xét tình trạng nguyên niêm phong bó, túi, bao, hộp, thùng tiền hoặc tài sản quý, giấy tờ có giá. Trường hợp có nghi vấn, phải mở ra kiểm đếm hiện vật bên trong hoặc kiểm đếm lại từng tờ (đối với tiền mặt). Phải ghi kết quả kiểm kê (chi tiết các loại tài sản theo số lượng, giá trị) vào sổ sách theo quy định. Đối chiếu tài sản thực tế đã kiểm kê (số lượng, giá trị) với số dư trên sổ sách của kế toán và thủ quỹ (hoặc thủ kho tiền); nếu có chênh lệch (thừa hoặc thiếu) thì phải lập biên bản và xử lý theo quy định tại Điều 64 Thông tư này.
Việc kiểm kê tồn quỹ cuối ngày, đối với tiền chưa chẵn bó (túi) phải kiểm đếm tờ (miếng).
3. Biên bản kiểm kê được thông qua công khai, các thành viên Hội đồng kiểm kê, thủ quỹ (hoặc thủ kho tiền) phải ký tên xác nhận. Giám đốc, Trưởng phòng Kế toán, thủ quỹ (hoặc thủ kho tiền) phải ký tên xác nhận số liệu trên sổ quỹ hoặc sổ kiểm kê (nếu có).
Trên đây là nội dung tư vấn về phương pháp kiểm kê tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 01/2014/TT-NHNN.
Trân trọng thông tin đến bạn!