Quản lý giá một số thuốc do Nhà nước đặt hàng, định giá được tiến hành như thế nào?
Ngày 12/5/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2004/NĐ-CP về quản lý giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người. Theo đó, Nghị định này quy định về quản lý giá thuốc; niêm yết giá thuốc; bình ổn giá một số loại thuốc; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người và áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc phòng, chữa bệnh cho người, các cơ sở phòng, chữa bệnh tại Việt Nam (sau đây gọi là cơ sở).
Quản lý giá một số thuốc do Nhà nước đặt hàng, định giá là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 7 Nghị định 120/2004/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
1. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định:
a. Mức giá cụ thể các loại thuốc do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước không qua hình thức đấu thầu, đấu giá;
b. Khung giá bán lẻ các loại thuốc thiết yếu phòng, chữa bệnh cho người phù hợp với từng thời kỳ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
2. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức giá cụ thể một số thuốc cấp không thu tiền cho các đối tượng được hưởng chính sách trợ giá, trợ cước theo quy định của Chính phủ.
3. Điều chỉnh mức giá do Nhà nước định giá.
Khi các yếu tố hình thành giá biến động ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá phải điều chỉnh kịp thời mức giá đã quy định. Trường hợp không điều chỉnh mức giá thì áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ và các biện pháp cần thiết khác theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về quản lý giá một số thuốc do Nhà nước đặt hàng, định giá. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 120/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật