Những đối tượng nào không thu giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay?
Từ ngày 01/10/2017, Quyết định 2345/QĐ-BGTVT năm 2017 về mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành chính thức có hiệu lực.
Theo đó, các đối tượng không thu giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Biểu giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 2345/QĐ-BGTVT năm 2017. Cụ thể bao gồm:
a) Chuyến bay chuyên cơ (không bao gồm chuyến bay chuyên cơ kết hợp vận chuyển thương mại);
b) Chuyến bay công vụ;
c) Chuyến bay tìm kiếm cứu nạn, vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo, cứu trợ lũ lụt, thiên tai và làm nhiệm vụ nhân đạo khác;
d) Chuyến bay phải quay trở lại hạ cánh tại cảng hàng không khởi hành sau khi cất cánh trong khoảng thời gian dưới 30 phút vì bất cứ lý do nào.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ vấn đề, Ban biên tập gửi tới bạn một số thông tin về các đối tượng không thu giá bảo đảm an ninh hàng không bao gồm:
- Hàng gửi theo đường ngoại giao, hàng viện trợ nhân đạo;
- Hàng hóa, phụ tùng xuất đi phục vụ sửa chữa và vật tư, vật phẩm của các hãng hàng không phục vụcho chuyến bay không bao gồm hàng bán miễn thuế trên các chuyến bay);
- Hành khách đi trên các chuyến bay thuộc đối tượng miễn thu tại khoản 1 điều này;
- Hành khách quá cảnh trong vòng 24 giờ (không bao gồm hành khách quá cảnh đi nối chuyến nội địa - quốc tế và ngược lại): Chỉ áp dụng trong trường hợp chặng đến và đi từ Việt Nam được xuất trên cùng một vé hành khách và hành lý;
- Thành viên tổ bay (kể cả trường hợp chuyển sân);
- Trẻ em dưới 02 tuổi: tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các đối tượng không thu giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 2345/QĐ-BGTVT năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật