Hồ sơ hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí nhập khẩu, tạm nhập bao gồm những gì?
Hồ sơ hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí nhập khẩu, tạm nhập được quy định tại Điều 7 Thông tư 69/2016/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất, nhập khẩu; hàng hóa xuất, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí do Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Chứng từ phải nộp:
a) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
b) Hóa đơn thương mại: 01 bản chụp;
c) Vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác có giá trị khác tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển theo quy định của pháp luật (trừ xăng dầu, khí tái xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 19, Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP): 01 bản chụp;
d) Giấy đăng ký giám định lượng; Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với xăng dầu, hóa chất, khí thuộc Danh Mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng: 01 bản chụp;
đ) Hợp đồng mua hàng hóa nhập khẩu (đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất): 01 bản chụp;
e) Trường hợp một lô hàng phải khai trên nhiều tờ khai hoặc hàng hóa nhập khẩu thuộc nhiều loại hình, có chung vận tải đơn, Hóa đơn, khai trên nhiều tờ khai theo từng loại hình hàng hóa nhập khẩu tại một Chi cục Hải quan thì người khai hải quan chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ hải quan (trong trường hợp nộp hồ sơ giấy cho cơ quan hải quan); các tờ khai sau ghi rõ “chung chứng từ với tờ khai số... ngày...” vào ô “Phần ghi chú”.
Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, người khai hải quan chỉ phải nộp, xuất trình, lưu một bộ hồ sơ hải quan của các tờ khai hải quan thuộc cùng một lô hàng;
g) Trường hợp Thương nhân làm thủ tục lần đầu tại Chi cục Hải quan thì nộp thêm các giấy tờ sau (trừ trường hợp cung ứng (tái xuất), xuất khẩu xăng dầu, khí cho đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 4, Khoản 5 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Khoản 3, Điều 19, Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP):
g.1) Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu: 01 bản chụp;
g.2) Giấy chứng nhận đủ Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu khí hoặc văn bản có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
g.3) Bản hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu do Bộ Công Thương cấp: 01 bản chụp.
h) Giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu: 01 bản chính;
Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi các chứng từ quy định tại Điểm đ, Điểm g, Điểm h Khoản này dưới dạng điện từ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
2. Thời hạn Thương nhân nộp các chứng từ cho Chi cục Hải quan:
Các chứng từ nêu trên phải nộp khi cơ quan hải quan kiểm tra chi Tiết hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa trừ các chứng từ sau:
a) Giấy thông báo kết quả giám định về lượng: Phải nộp trong thời hạn không quá 08 (tám) giờ làm việc kể từ khi bơm xong xăng dầu, hóa chất, khí từ phương tiện vận tải lên kho hoặc lên phương tiện vận tải khác để vận chuyển tiếp trong nội địa;
b) Giấy thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng: Phải nộp trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi bơm xong xăng dầu, hóa chất, khí từ phương tiện vận tải lên kho hoặc lên phương tiện vận tải khác để vận chuyển tiếp trong nội địa.
Đối với các chứng từ quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, nếu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi Giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan;
c) Hóa đơn thương mại:
c.1) Tại thời Điểm đăng ký tờ khai hải quan, trường hợp chưa có giá chính thức, Thương nhân thực hiện tạm nộp thuế theo giá khai báo. Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 42 Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
c.2) Ngày có giá chính thức là ngày bên bán phát hành hóa đơn chính thức. Việc khai báo và nộp thuế chênh lệch (nếu có) theo giá chính thức thực hiện theo quy định tại Điểm b.1 Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; không phải nộp tiền chậm nộp trên số tiền thuế chênh lệch phải nộp;
c.3) Thời hạn nộp chậm Hóa đơn thương mại bản chụp không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Trên đây là nội dung quy định về hồ sơ hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí nhập khẩu, tạm nhập. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 69/2016/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật