Lực lượng nào sẽ thường trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ?
Lực lượng thường trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Điều 11 Thông tư 65/2013/TT-BCA hướng dẫn Quyết định 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành như sau:
1. Trực chỉ huy cấp Sở, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải nắm vững quân số, số lượng phương tiện cứu nạn, cứu hộ hiện có của đơn vị; quy trình cứu nạn cứu hộ một vụ sự cố, tai nạn; các phương pháp, biện pháp khi triển khai cứu nạn, cứu hộ đối với những tình huống cứu nạn, cứu hộ cơ bản; phương án huy động lực lượng phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ; quy chế phối hợp giữa các lực lượng khi tiến hành cứu nạn, cứu hộ; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khi tham gia cứu nạn, cứu hộ; chế độ thông tin báo cáo khi xảy ra vụ việc cần cứu nạn, cứu hộ (báo cáo với lãnh đạo cấp trên ở địa phương và Cục nghiệp vụ).
2. Trực chỉ huy Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải nắm vững các nội dung nêu ở Khoản 1 Điều này; nội dung Điều lệnh chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; quy trình tổ chức thực hiện vụ cứu nạn, cứu hộ; biết rõ tính năng, tác dụng của các loại phương tiện cứu nạn, cứu hộ, trang thiết bị an toàn cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và việc triển khai các đội hình chiến đấu; tình hình đường giao thông và danh sách các cơ sở có phương tiện cứu nạn, cứu hộ và các phương tiện có thể huy động phục vụ cứu nạn, cứu hộ trong địa bàn phạm vi bảo vệ.
3. Trực ban cứu nạn, cứu hộ phải có mặt thường trực tại phòng trực ban chiến đấu, biết sử dụng thành thạo các phương tiện thông tin liên lạc của đơn vị, nắm vững quy trình nhận và xử lý thông tin báo sự cố, tai nạn và vụ việc liên quan khác; tra cứu danh bạ điện thoại, liên lạc nhanh nhất với các đội cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp; lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành.
4. Tiểu đội trưởng và chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ bố trí trực theo xe, tàu, xuồng cứu nạn, cứu hộ phải nắm được nhiệm vụ của mình và của tiểu đội trong ca trực; nắm vững tính năng, tác dụng và sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ của tiểu đội; biết phối hợp, hỗ trợ tốt với các vị trí được phân công trong cùng đội hình chiến đấu và với các tiểu đội khác. Lái xe, lái tàu, lái xuồng cứu nạn, cứu hộ phải sử dụng thành thạo xe, tàu, xuồng do mình phụ trách. Chỉ huy, chiến sĩ, lái xe trực theo phương tiện chuyên dùng phục vụ cứu nạn, cứu hộ cũng phải nắm vững nhiệm vụ của mình theo yêu cầu nêu trên và sử dụng thành thạo phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ được giao.
Trên đây là nội dung tư vấn về lực lượng thường trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ trong lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 65/2013/TT-BCA.
Trân trọng thông tin đến bạn!