Cộng tác viên kiểm toán nhà nước có những quyền hạn gì?
Từ ngày 28/9/2017, Quyết định 08/2017/QĐ-KTNN về Quy chế sử dụng cộng tác viên Kiểm toán nhà nước chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Quy chế này quy định về việc Kiểm toán nhà nước sử dụng cộng tác viên thực hiện các công việc kiểm toán, tư vấn, giám định chuyên môn theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; quy định phạm vi sử dụng, tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên; quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan đến sử dụng cộng tác viên.
Theo quy chế này, quyền hạn của cộng tác viên kiểm toán nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quy chế sử dụng cộng tác viên Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 08/2017/QĐ-KTNN. Cụ thể bao gồm:
a) Được quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện các dịch vụ đã được ghi trong hợp đồng dịch vụ thực hiện nhiệm vụ;
b) Nhận đầy đủ, kịp thời phí dịch vụ từ Kiểm toán nhà nước theo các điều khoản cam kết tại hợp đồng đã ký giữa hai bên;
c) Đề nghị Kiểm toán nhà nước yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ được giao;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng.
Cùng với việc thực hiện các quyền trên, cộng tác viên kiểm toán nhà nước đồng thời có nhiệm vụ:
- Thực hiện khai báo kịp thời với Kiểm toán nhà nước nếu thuộc các trường hợp làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 7 của Quy chế này.
- Thực hiện nhiệm vụ đúng theo nội dung hợp đồng;
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định pháp luật liên quan;
- Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và theo hợp đồng dịch vụ đã ký; khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật;
- Khi tham gia Đoàn kiểm toán, cộng tác viên phải:
+ Chấp hành và hoàn thành nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn hoặc Tổ trưởng Tổ kiểm toán; tuân thủ chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán; Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; chấp hành nghiêm các các quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan của Kiểm toán nhà nước. Trường hợp cộng tác viên là tổ chức thì phải bố trí người có trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện như cộng tác viên là cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Quy chế này để đảm bảo chất lượng công việc; không bố trí người tham gia Đoàn kiểm toán trong các trường hợp theo quy định tại Điều 28 của Luật Kiểm toán nhà nước; cung cấp các thông tin về người thực hiện công việc, hồ sơ về tổ chức mình theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước;
+ Có trách nhiệm báo cáo trung thực về các mối quan hệ làm ảnh hưởng đến tính khách quan trong hoạt động kiểm toán theo Điều 28 của Luật Kiểm toán nhà nước;
+ Thông báo kịp thời với Kiểm toán nhà nước khi phát hiện đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh tế, tài chính, kế toán và vi phạm Khoản 2 và Khoản 3 Điều 8 của Luật Kiểm toán nhà nước.
- Chấp hành các yêu cầu của Kiểm toán nhà nước về việc báo cáo, kiểm tra, giám sát;
- Cộng tác viên chịu trách nhiệm bảo mật tài liệu, số liệu và các thông tin do đơn vị được kiểm toán hoặc Kiểm toán nhà nước cung cấp theo quy định của Kiểm toán nhà nước và quy định của pháp luật;
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền hạn của cộng tác viên kiểm toán nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 08/2017/QĐ-KTNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật