Giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp được miễn thi ngoại ngữ trong những trường hợp nào?

Các trường hợp miễn thi ngoại ngữ đối với giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi là giáo viên tiểu học, hiện đang công tác tại Vĩnh Phúc. Tôi được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản quy định về các vấn đề liên quan đến việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Tôi thắc mắc không biết theo quy định mới này thì những trường hợp nào miễn thi ngoại ngữ đối với giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe!Minh Tú (tu***@gmail.com)

Ngày 03/10/2017, Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi chung là giáo viên) đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên biệt công lập hoặc đang giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên trong các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh/cấp huyện, trung tâm giáo dục nghềnghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục) và đã được xếp hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, nội dung, các trường hợp miễn thi ngoại ngữ đối với giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT. Cụ thể như sau:

a) Giáo viên tính đến ngày 31 tháng 12 của năm tổ chức thi thăng hạng, có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ.

b) Giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc ở các trường phổ thông dân tộc nội trú/bán trú, có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền.

c) Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trong đào tạo; văn bằng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định hiện hành.

d) Có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ thuộc một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc.

đ) Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên từ hạng IV lên hạng III; Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II; Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 500 điểm, TOEFL CBT 173 điểm, TOEFL iBT 61 điểm, IELTS 5,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên hạng II lên hạng I.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các trường hợp miễn thi ngoại ngữ đối với giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT. 

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giáo viên

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào