Bộ Tư pháp có vị trí và chức năng như thế nào trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước?
Vị trí và chức năng của Bộ Tư pháp được quy định tại Điều 1 Nghị định 96/2017/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Cụ thể:
Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Theo đó, với vị trí và chức năng này, Bộ Tư pháp đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý nhà nước lĩnh vực tư pháp nói riêng, trong công tác điều hành bộ máy nhà nước nói chung. Vì vậy, pháp luật hiện hành trao cho Bộ Tư pháp các nhiệm vụ, quyền hạn bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác quản lý chung với vai trò là một Bộ như các Bộ khác trong cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý các lĩnh vực cụ thể trong phạm vi của mình như: công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, công tác kiểm tra, thanh tra,...
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về vị trí và chức năng của Bộ Tư pháp. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 96/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật