Chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính
Chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính được quy định tại Điều 9 Thông tư 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Nội dung chi liên quan đến việc quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gồm:
a) Chi phí kiểm nghiệm, giám định, xác định giá trị tang vật làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt;
b) Chi cho việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã từ thời điểm tạm giữ cho đến khi hoàn thành việc thả vào môi trường tự nhiên theo quy định hoặc chuyển giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
c) Chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản từ khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu đến khi hoàn thành việc xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan ra quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu đã được Nhà nước bố trí kho bãi, biên chế, phương tiện vận tải,... thì không được thanh toán các khoản chi phí liên quan đến vận chuyển, bảo quản những tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính đó;
d) Chi đăng tin, thông báo tìm chủ tang vật, phương tiện (nếu có);
đ) Chi phí thuê sửa chữa tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu phải sửa chữa mới bán được hoặc giá trị tăng thêm của tang vật, phương tiện lớn hơn so với chi phí sửa chữa (nếu có);
e) Chi phí để thực hiện xác định giá trị tang vật, giá khởi điểm bán đấu giá, bán đấu giá cho Hội đồng xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính, Hội đồng xác định giá khởi điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Hội đồng bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 12 Thông tư số 137/2010/TT-BTC;
g) Phí bán đấu giá (trong trường hợp đấu giá thành) hoặc chi phí thực tế, hợp lý (trong trường hợp bán đấu giá không thành) trả cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện bán đấu giá. Mức phí áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính đối với mức phí bán đấu giá tài sản nhà nước;
h) Chi phí cho Hội đồng thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu: Chủ tịch Hội đồng thanh lý xem xét, quyết định chi trên cơ sở chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản quy định tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC;
i) Các khoản chi phí thực tế, hợp lý cho việc phá dỡ, tiêu hủy tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính (trừ trường hợp tang vật vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải tiêu hủy theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính).
2. Mức chi:
Đối với các khoản chi đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định đó. Đối với các khoản chi phí chưa có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Thủ trưởng cơ quan của người ra quyết định tịch thu quyết định trên cơ sở thực tế phát sinh và khả năng kinh phí thực hiện xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3. Chứng từ chi và duyệt chi:
a) Các khoản chi được thanh toán phải có chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định. Trường hợp các khoản chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện (như chi phí giám định,...) thì được sử dụng phiếu thu của cơ quan nhà nước đó để làm căn cứ thanh toán chi phí;
b) Sở Tài chính duyệt chi các khoản chi phí xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền tịch thu thuộc cơ quan trung ương và người có thẩm quyền tịch thu thuộc cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu; Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện duyệt chi các khoản chi phí xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền tịch thu thuộc cơ quan cấp huyện, cấp xã ra quyết định tịch thu.
4. Việc thanh toán các khoản chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo mức chi thực tế hợp lý, hợp lệ của từng vụ việc hoặc mức khoán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định theo đề nghị của cơ quan người ra quyết định tịch thu.
Căn cứ vào tình hình thực tế quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tỷ lệ (mức) khoán chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện trên số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện để áp dụng cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, xử lý thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương để áp dụng thống nhất.
Trên đây là nội dung tư vấn về chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 173/2013/TT-BTC.
Trân trọng thông tin đến bạn!