Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định như thế nào
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 3 Quy chế làm việc của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1278/QĐ-KTNN năm 2016 như sau:
1. Trách nhiệm giải quyết công việc:
a) Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn diện KTNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo đúng quy định của Hiến pháp, Luật KTNN.
b) Chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo tình hình công tác trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chịu trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ về các công việc liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ của KTNN và tình hình liên quan đến KTNN.
c) Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để giải quyết các công việc liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN hoặc để thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác yêu cầu.
d) Phân công công việc cho các Phó Tổng KTNN; phân cấp, ủy quyền cho Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN thực hiện một số công việc cụ thể theo quy định; khi Tổng KTNN vắng mặt, ủy quyền cho một Phó Tổng KTNN thay Tổng KTNN điều hành và giải quyết công việc của KTNN.
đ) Chỉ đạo việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động của KTNN, hoạt động của các đơn vị trực thuộc KTNN trong việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ được phân công, phân cấp thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của KTNN;
e) Xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức không có trong kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước.
g) Ký các văn bản thuộc thẩm quyền.
2. Phạm vi giải quyết công việc:
a) Những công việc thuộc thẩm quyền quy định trong Hiến pháp, Luật KTNN, các văn bản pháp luật liên quan và những công việc quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Những công việc do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc yêu cầu thực hiện.
c) Trực tiếp giải quyết một số việc đã phân công cho Phó Tổng KTNN nhưng Tổng KTNN thấy cần thiết phải giải quyết vì nội dung có tính chất cấp bách hoặc quan trọng hoặc do Phó Tổng KTNN được phân công vắng mặt; những việc liên quan đến từ hai Phó Tổng KTNN trở lên nhưng các Phó Tổng KTNN có ý kiến khác nhau.
d) Ủy quyền cho Thủ trưởng đơn vị ký văn bản giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Tổng KTNN.
đ) Quyết định công tác tổ chức và cán bộ.
e) Trong trường hợp cần thiết, Tổng KTNN quyết định điều chỉnh, hủy bỏ quyết định của Phó Tổng KTNN khi xét thấy không đúng quy định pháp luật hoặc không đúng với chỉ đạo của Tổng KTNN.
3. Những việc cần thảo luận tập thể Lãnh đạo KTNN trước khi quyết định:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KTNN.
b) Chương trình công tác năm, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và dài hạn về KTNN trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình cơ quan có thẩm quyền hoặc trước khi Tổng KTNN ký ban hành.
c) Các Đề án do KTNN xây dựng.
d) Kế hoạch kiểm toán hàng năm; thành lập Hội đồng kiểm toán.
đ) Chương trình, dự án quan trọng của KTNN.
e) Công tác tổ chức, cán bộ trình Ban cán sự.
g) Đề xuất ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, kế hoạch thực hiện cam kết bảo đảm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KTNN.
h) Những vấn đề quan trọng khác Tổng KTNN thấy cần bàn bạc tập thể trước khi quyết định.
4. Trường hợp không có điều kiện tổ chức thảo luận tập thể, đơn vị chủ trì nội dung chủ động phối hợp với Văn phòng KTNN lấy ý kiến bằng văn bản của các Phó Tổng KTNN, tổng hợp trình Tổng KTNN. Sau khi các Phó Tổng KTNN có ý kiến, Tổng KTNN là người quyết định cuối cùng.
Trên đây là nội dung quy định về trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Tổng Kiểm toán nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1278/QĐ-KTNN năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật