Thể thức gia nhập Liên đoàn bóng đá Việt Nam
Theo quy định tại Điều 11 Quyết định 224/QĐ-BNV năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 243/QĐ-BNV năm 2014) phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành thì:
1. Những tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 muốn trở thành thành viên của LĐBĐVN phải nộp hồ sơ xin gia nhập LĐBĐVN theo quy định tại Khoản 2 của Điều này.
2. Hồ sơ xin gia nhập LĐBĐVN gồm:
a) Đơn xin gia nhập LĐBĐVN;
b) Bản sao Điều lệ và quy chế của tổ chức xin gia nhập;
c) Quy chế hoạt động (đối với thành viên là đội bóng hoặc CLB) hoặc quyết định thành lập đội bóng hoặc CLB do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
d) Danh sách lãnh đạo chủ chốt đại diện cho tổ chức (những người có thẩm quyền ký các cam kết với bên thứ ba);
đ) Văn bản cam kết:
- Tuân thủ Điều lệ, các quy định chuyên môn và bảo đảm rằng các thành viên của mình, CLB, quan chức, đại diện cầu thủ, cầu thủ cũng tuân thủ Điều lệ và các quy định chuyên môn;
- Công nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của cơ quan do LĐBĐVN thành lập, đồng thời công nhận và tôn trọng các quyết định của CAS;
- Chỉ tổ chức và tham gia vào các giải đấu, trận đấu chính thức và giao hữu khi được LĐBĐVN và AFC, FIFA cho phép;
- Trụ sở chính của cơ quan đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và đặt trên lãnh thổ Việt Nam;
- Tham gia tất cả các giải đấu, trận đấu chính thức do LĐBĐVN tổ chức;
- Đảm bảo cơ cấu pháp lý của tổ chức muốn trở thành thành viên tự đưa ra những quyết định độc lập mà không phải dựa vào các tổ chức khác.
3. Thẩm quyền công nhận thành viên thuộc về Đại hội LĐBĐVN. Thành viên có các quyền và nghĩa vụ thành viên quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Điều lệ này ngay sau khi được công nhận.
Trên đây là nội dung tư vấn về thể thức gia nhập Liên đoàn bóng đá Việt Nam . Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 224/QĐ-BNV năm 2010.
Trân trọng!