Những hành vi nào bị nghiêm cấm đối với kiểm định viên chất lượng dạy nghề?
Ngày 29/12/2011, Bộ Lao động - Lao động và Xã hội ban hành Thông tư 42/2011/TT-BLĐTBXH quy định về quy trình thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề. Thông tư này quy định về quy trình thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề, bao gồm: tự kiểm định chất lượng dạy nghề của cơ sở dạy nghề; kiểm định chất lượng dạy nghề của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề; công nhận kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề, cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề.
Theo đó, những hành vi nghiêm cấm đối với kiểm định viên chất lượng dạy nghề là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 5 Điều 15 Thông tư 42/2011/TT-BLĐTBXH. Cụ thể bao gồm:
a) Thông đồng, móc nối với cơ sở dạy nghề được kiểm định để làm sai lệch nội dung báo cáo kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề;
b) Mua hoặc nhận biếu, tặng các loại cổ phiếu, tiền hoặc tài sản khác của cơ sở dạy nghề được kiểm định;
c) Tiết lộ thông tin về cơ sở dạy nghề được kiểm định mà mình biết được khi kiểm định, trừ trường hợp cơ sở dạy nghề đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập gửi tới bạn một số thông tin về số lượng thành viên của đoàn kiểm định chất lượng dạy nghề và tiêu chuẩn của kiểm định viên như sau:
- Về số lượng thành viên, đoàn kiểm định chất lượng dạy nghề (sau đây gọi là đoàn kiểm định) đối với trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có từ 5 (năm) đến 9 (chín) thành viên; đoàn kiểm định đối với trung tâm dạy nghề có từ 3 (ba) đến 7 (bảy) thành viên; gồm trưởng đoàn, thư ký đoàn và các thành viên khác trong đoàn kiểm định (sau đây gọi chung là kiểm định viên chất lượng dạy nghề).
- Về tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng dạy nghề:
+ Đã hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên chất lượng dạy nghề;
+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên;
+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý hoặc nghiên cứu khoa học về dạy nghề;
+ Có phẩm chất, đạo đức tốt; trung thực, khách quan, lý lịch rõ ràng;
+ Có khả năng giao tiếp, thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp, sử dụng thành thạo máy vi tính.
Như vậy, căn cứ quy định trên, việc pháp luật hiện hành đề ra các hành vi bị cấm đối với kiểm định viên kiểm định chất lượng dạy nghề là hoàn toàn cần thiết và hợp lý nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc trong hoạt động kiểm định, đánh giá chất lượng tại đào tạo tại các cơ sở dạy nghề.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về những hành vi nghiêm cấm đối với kiểm định viên chất lượng dạy nghề. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 42/2011/TT-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật