Xác định nguyên giá của tài sản cố định hữu hình trong cơ quan nhà nước

Xác định nguyên giá của tài sản cố định hữu hình trong cơ quan nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thanh Nga hiện đang sống và làm việc tại Long An. Tôi đang tìm hiểu về tài sản cố định trong cơ quan nhà nước. Theo như tôi biết thì tài sản cố định trong cơ quan nhà nước có cơ chế quản lý riêng. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi xác định nguyên giá của tài sản cố định hữu hình trong cơ quan nhà nước được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn.

Xác định nguyên giá của tài sản cố định hữu hình trong cơ quan nhà nước được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 162/2014/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

Nguyên giá tài sản cố định được xác định như sau:

a) Nguyên giá tài sản cố định hình thành từ mua sắm được xác định bằng công thức:

Nguyên giá TSCĐ do mua sắm

=

Giá trị ghi trên hóa đơn

-

Các khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá (nếu có)

+

Chi phí vận chuyển, bốc dỡ, chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, chi phí lắp đặt, chạy thử

-

Các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử

+

Các khoản thuế, phí, lệ phí (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại

+

Chi phí khác (nếu có)

b) Nguyên giá của tài sản cố định hình thành từ đầu tư xây dựng là giá trị quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng hiện hành.

- Trường hợp tài sản đã đưa vào sử dụng (do đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng) nhưng chưa có quyết toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện ghi sổ vàhạch toán kế toán tài sản cố định kể từ ngày có Biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng. Nguyên giá ghi sổ hạch toán là nguyên giá tạm tính. Nguyên giá tạm tính trong trường hợp này được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau:

+ Giá trị đề nghị quyết toán;

+ Giá trị xác định theo Biên bản nghiệm thu A-B;

+ Giá trị dự toán Dự án đã được phê duyệt.

- Khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, đơn vị thực hiện điều chỉnh lại nguyên giá tạm tính trên sổ kế toán theo giá trị quyết toán được duyệt.

c) Nguyên giá tài sản cố định được điều chuyển đến được xác định như sau:

Nguyên giá TSCĐ được điều chuyển đến

=

Giá trị ghi trên Biên bản bàn giao tài sản điều chuyển

+

Chi phí vận chuyển, bốc dỡ, chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, chi phí lắp đặt, chạy thử

-

Các khoản thu hồi về sản phẩm phế liệu do chạy thử

+

Các khoản thuế, phí, lệ phí (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại)

+

Chi phí khác (nếu có)

d) Nguyên giá tài sản cố định được tặng cho được xác định như sau:

Nguyên giá TSCĐ được tặng cho

=

Giá trị của tài sản do cơ quan tài chính xác định

+

Chi phí vận chuyển, bốc dỡ, chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, chi phí lắp đặt, chạy thử

-

Các khoản thu hồi về sản phẩm phế liệu do chạy thử

+

Các khoản thuế, phí, lệ phí (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại)

+

Chi phí khác (nếu có)

Trên đây là tư vấn về xác định nguyên giá của tài sản cố định hữu hình trong cơ quan nhà nước. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 162/2014/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào