Tiêu chuẩn chức danh kiểm nghiệm viên thủy sản hạng II
Tiêu chuẩn chức danh kiểm nghiệm viên thủy sản hạng II được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 38/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành kiểm nghiệm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ ban hành như sau:
Kiểm nghiệm viên thủy sản hạng II - Mã số: V.03.08.01
1. Nhiệm vụ
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch công tác kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định giống thủy sản, sản phẩm thủy sản, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, môi trường nước nuôi trồng thủy sản đối với lĩnh vực quản lý cấp tỉnh hoặc vùng trọng điểm, bao gồm cả việc tham mưu xét duyệt kế hoạch của các cơ quan, đơn vị trực thuộc;
b) Chủ trì tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra để đề xuất các biện pháp uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong quá trình kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định; không ngừng đổi mới cải tiến, bổ sung nhằm hoàn thiện nghiệp vụ kỹ thuật, có kế hoạch đổi mới cải tiến công nghệ kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, cải tiến phương pháp công tác;
c) Trong phạm vi quyền hạn được giao, có quyền đề nghị điều chỉnh, đình chỉ các hoạt động kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định trái với các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình;
d) Tổng hợp đánh giá, phân tích kết quả, báo cáo kết quả kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định;
đ) Chủ trì xây dựng các quy trình phát hiện, phát hiện nhanh, chính xác đối với vi khuẩn, các tác nhân gây sai lệch kết quả kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định và đưa ra các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm trong quá trình thử nghiệm;
e) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng chương trình, soạn thảo nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật cho các hạng viên chức thấp hơn và các đơn vị trực thuộc về lĩnh vực kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định thủy sản.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về thuỷ sản và các chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định thủy sản;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT - BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
d) Có chứng chỉ kiểm nghiệm viên thủy sản hạng II.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững các quy định của pháp luật về thủy sản;
b) Nắm vững qui trình, quy phạm về kỹ thuật khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định thuộc lĩnh vực thủy sản;
c) Thành thạo các thao tác kỹ thuật trong khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị, dụng cụ trong quá trình tác nghiệp;
d) Có khả năng tổ chức và bố trí nhân sự trong các cuộc khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định; phát huy tốt sức mạnh và hiệu quả tổ chức do mình phụ trách;
đ) Có kỹ năng soạn thảo văn bản chuyên môn, có năng lực tổng hợp xử lý thông tin kịp thời và chính xác;
e) Hiểu biết sâu, rộng về lĩnh vực khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định về thuỷ sản;
g) Chủ trì hoặc tham gia công trình nghiên cứu khoa học hoặc đề án đã được Hội đồng khoa học cấp Bộ hoặc cấp tỉnh công nhận và đưa vào áp dụng có hiệu quả.
4. Việc thăng hạng chức danh kiểm nghiệm viên thủy sản hạng II
Viên chức thăng hạng từ chức danh kiểm nghiệm viên thủy sản hạng III lên chức danh kiểm nghiệm viên thủy sản hạng II phải có thời gian giữ chức danh kiểm nghiệm viên thủy sản hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh kiểm nghiệm viên thủy sản hạng III tối thiểu đủ 02 (hai) năm.
Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn chức danh kiểm nghiệm viên thủy sản hạng II. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 38/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật