Lễ tuyên thệ trong Công an nhân dân được tổ chức khi nào?
Ngày 10/4/2012, Bộ Công an ban hành Thông tư 19/2012/TT-BCA quy định về Nghi lễ Công an nhân dân. Theo đó, Thông tư này quy định nguyên tắc, hình thức, trình tự tổ chức các nghi lễ trong Công an nhân dân, bao gồm: Lễ chào cờ Tổ quốc; lễ đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và các đoàn khách quốc tế; lễ trao tặng và đón nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng khác; lễ tuyên thệ; lễ phong, thăng cấp bậc hàm, vinh danh học hàm, học vị khoa học; lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống; lễ khai giảng và bế giảng năm học, khóa học, lớp học.
Các trường hợp tổ chức Lễ tuyên thệ trong Công an nhân dân là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 22 Thông tư 19/2012/TT-BCA. Cụ thể bao gồm:
a) Đơn vị hoặc cá nhân được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng;
b) Thành lập đơn vị mới;
c) Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ phục vụ có thời hạn;
d) Trong lễ bế giảng, phong cấp, thăng cấp bậc hàm cho học sinh, sinh viên (sau đây gọi chung là học viên) hệ đào tạo chính quy tốt nghiệp ra trường.
Về cấp tổ chức Lễ tuyên thệ, pháp luật hiện hành quy định:
- Cấp nào ra quyết định giao nhiệm vụ đặc biệt, thành lập đơn vị mới, kết thúc khóa huấn luyện, bế giảng khóa học cấp đó tổ chức Lễ tuyên thệ.
- Cấp ra quyết định có thể ủy quyền cho đơn vị cấp dưới tổ chức Lễ tuyên thệ.
Về nội dung lời tuyên thệ: Căn cứ nội dung 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ được giao để chuẩn bị nội dung lời tuyên thệ cho phù hợp.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các trường hợp tổ chức Lễ tuyên thệ trong Công an nhân dân. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 19/2012/TT-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật