Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quy chế làm việc của Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư 52/2017/TT-BQP. Cụ thể là:
a) Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm cả các công việc được ủy quyền; chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của Bộ Quốc phòng, bao gồm cả công việc đã phân công hoặc ủy quyền cho cấp dưới;
b) Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các Thủ trưởng Bộ; chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết theo các cách thức sau:
- Quyết định, chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Quốc phòng hoặc đề xuất, xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; ban hành các văn bản hành chính theo thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công; đề nghị cấp có thẩm quyền thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đối với những vấn đề cần thiết theo quy định, làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới;
- Trực tiếp giải quyết công việc hoặc phân công Thứ trưởng giải quyết công việc trên cơ sở hồ sơ trình của cơ quan, đơn vị và được tổng hợp trong Phiếu trình giải quyết công việc của Văn phòng Bộ Quốc phòng. Trường hợp cần thiết, giải quyết công việc trực tiếp trên cơ sở hồ sơ của trên chuyển đến hoặc của cơ quan, đơn vị trình mà không nhất thiết phải có Phiếu trình giải quyết công việc của Văn phòng Bộ Quốc phòng;
- Triệu tập, chủ trì và quyết định các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp lãnh đạo Bộ; trường hợp cần thiết do tính chất quan trọng, cấp bách của công việc, trực tiếp chỉ đạo giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Trực tiếp chủ trì hoặc phân công một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng chủ trì họp, làm việc với chỉ huy cơ quan, đơn vị có liên quan để xem xét trước khi quyết định hoặc giao Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng chủ trì họp, làm việc với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi trình Bộ trưởng xem xét, quyết định;
- Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng; không giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan nhà nước khác, trừ trường hợp theo chỉ đạo, ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Ủy quyền một Thứ trưởng hoặc chỉ huy cơ quan, đơn vị trình, báo cáo đề án, dự án, dự thảo văn bản của Bộ Quốc phòng trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác theo quy định;
- Giải quyết những công việc có nội dung quan trọng, cấp bách đã phân công cho Thứ trưởng hoặc thuộc phạm vi đã phân cấp cho chỉ huy các cơ quan, đơn vị; những việc liên quan đến các Thứ trưởng nhưng còn ý kiến khác nhau;
- Chỉ đạo việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các ban, bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trong thực hiện các quy định của pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng;
- Ủy quyền Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết các công việc trong thời gian Bộ trưởng vắng mặt. Phân công các Thứ trưởng theo dõi, chỉ đạo, giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng; trường hợp công việc phát sinh không thuộc phạm vi đã phân công cho các Thứ trưởng, thì Bộ trưởng giao cho một Thứ trưởng chịu trách nhiệm giải quyết; phân cấp cho chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết một số công việc theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện, khả năng của cơ quan, đơn vị;
- Thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành để chỉ đạo đối với một số vấn đề phức tạp, quan trọng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và phải xử lý trong thời gian dài. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền hoặc tuy đúng thẩm quyền nhưng nội dung quan trọng, phức tạp, có tính liên ngành, thì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Tham gia ý kiến tại các cuộc họp, buổi làm việc hoặc trả lời ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Ngoài các cách thức trên, tùy tính chất từng công việc, Bộ trưởng giải quyết bằng các cách thức khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Thông tư 52/2017/TT-BQP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật