Quy định về chức danh phương pháp viên hạng III
Phương pháp viên hạng III được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 06/2016/TTLT-BVHTTDL-BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Nội vụ ban hành như sau:
Phương pháp viên hạng III - Mã số: V.10.06.20
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch công tác về một lĩnh vực nghiệp vụ hoặc một phần việc trên cơ sở chương trình, kế hoạch chung;
b) Tham gia tổ chức và chuẩn bị một phần nội dung các hội nghị, hội thảo về nghiệp vụ; tham gia tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, các hoạt động đội, nhóm, câu lạc bộ sở thích, rèn luyện kỹ năng phát triển năng khiếu cho các đối tượng;
c) Dàn dựng các chương trình, cuộc thi, hội diễn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác với quy mô cấp quận, huyện;
d) Theo dõi hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn để hướng dẫn giúp đỡ về chuyên môn; tổng kết kinh nghiệm để áp dụng cho các thiết chế văn hóa khác.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành văn hóa;
b) Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Phương pháp viên hạng III.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm được quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Có kiến thức cơ bản về quản lý công tác văn hóa cơ sở và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực được phân công quản lý;
c) Có hiểu biết về đặc điểm lịch sử văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý;
d) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cơ sở;
đ) Biết phương pháp nghiên cứu, tổng hợp và tham mưu soạn thảo các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ.
4. Viên chức thăng hạng từ chức danh phương pháp viên hạng IV lên chức danh phương pháp viên hạng III phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh phương pháp viên hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm đối với trình độ cao đẳng hoặc tối thiểu đủ 03 (ba) năm đối với trình độ trung cấp.
Trên đây là nội dung quy định về chức danh phương pháp viên hạng III. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 06/2016/TTLT-BVHTTDL-BNV.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật