Vị thuốc Viễn chí là gì?
Khái niệm vị thuốc Viễn chí được quy định tại Mục 100 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Viễn chí là rễ phơi hay sấy khô của cây Viễn chí lá nhỏ (Polygala ternuifolia Willd.) và cây Viễn chí Xiberi tức Viễn chí lá trứng (Polygala sibirica L.). họ Viễn chí (Polygalaceae).
Vị thước Viễn chí được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Viễn chí sao cám và phương pháp chế biến Viễn chí chích cam thảo. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Viễn chí sao cám thì để chế biến 1,0 kg Viễn chí sao cám thì cần 1,0 kg Viễn chí và 200 g cám gạo. Theo đó, thực hiện đem cám gạo sao riêng tới khi bốc khói trắng, cho viễn chí vào, đảo đều tới khi mặt ngoài có màu vàng đậm. Lấy ra, để nguội.
- Đối với phương pháp chế biến Viễn chí chích cam thảo thì để chế biến 1,0 kg Viễn chí chích cam thảo thì cần 1,0 kg Viễn chí và 50 g cam thảo. Theo đó, thực hiện đem cam thảo phiến sắc hai lần với nước, mỗi lần khoảng 150 ml nước, đun sôi 1 giờ. Gộp dịch sắc cam thảo, cô còn khoảng 100 - 150ml. Trộn đều dịch cam thảo với viễn chí đã rút bỏ lõi. Ủ 1 giờ cho ngấm hết dịch cam thảo. Lấy ra để khô se, sao vàng đến khi mặt ngoài có màu vàng đậm.
Vị thuốc Viễn chí là những mảnh hoặc đoạn vỏ rỗng có màu vàng đậm, có những nếp nhăn và đường nút ngang. Vị đắng nhẹ, hơi cay, hơi ngọt (viễn chí chích cam thảo).
Vị thuốc Viễn chí có vị đắng, cay, hơi ngọt. Tính ấm. Quy kinh tâm, thận, phế.. Có công năng an thần, ích trí, hóa đàm chỉ ho, giải độc và được dùng để chủ trị tâm thần bất an, mất ngủ, ngủ hay mơ, tim hồi hộp, chóng mặt, tai ù, mắt mờ. Viễn chí chích cam thảo tăng trừ đờm, trừ ho, mụn nhọt, vú sưng đau.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Viễn chí. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật