Vị thuốc Tri mẫu là gì?
Khái niệm vị thuốc Tri mẫu được quy định tại Mục 97 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Tri mẫu là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Tri mẫu (Anemarrhena asphodeloides Bunge), họ Hành (Liliaceae).
Vị thuốc Tri mẫu được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Tri mẫu chích muối và phương pháp chế biến Tri mẫu chích rượu. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Tri mẫu chích muối thì để chế biến 1,0 kg Tri mẫu chích muối thì cần 1,0 kg Tri mẫu phiến và 150 ml dung dịch muối ăn 5%. Theo đó, thực hiện tẩm dung dịch nước muối với tri mẫu phiến, ủ khoảng 1 giờ, sao nhỏ lửa đến khô. Lấy ra để nguội.
- Đối với phương pháp chế biến Tri mẫu chích rượu thì để chế biến 1,0 kg Tri mẫu chích rượu thì cần 1,0 kg Tri mẫu phiến và 100 ml rượu. Theo đó, thực hiện trộn đều rượu vào tri mẫu phiến, ủ trong khoảng 30 phút cho ngấm hết rượu. Sao lửa nhỏ đến khi có màu hơi vàng nâu, khô, thơm mùi đặc trưng. Lấy ra, để nguội.
Vị thuốc Tri mẫu đã chế biến có mặt ngoài màu nâu vàng, mặt trong màu vàng ngà nâu, không còn lông tơ. Thể chất hơi dẻo. Vị hơi đắng, mùi thơm đặc trưng.
Vị thuốc Tri mẫu có vị khổ, cam, Tính hàn. Quy kinh phế, vị, thận. Có công năng thanh nhiệt tả hỏa, trừ phiền chỉ khát, nhuận táo và được dùng để chủ trị sốt cao khát nước, phế thận âm hư, cốt chưng, triều nhiệt; nội nhiệt tiêu khát, ruột háo táo bón.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Tri mẫu. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật