Vị thuốc Thương nhĩ tử là gì?

Vị thuốc Thương nhĩ tử là gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Trần Kiệt Luân. Tôi đang tìm hiểu các quy định liên quan đến hoạt động chế biến các vị thuốc cổ truyền Việt Nam. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp cho tôi. Cho tôi hỏi, vị thuốc Thương nhĩ tử là gì? Vị thuốc này được chế biến như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Trần Kiệt Luân (kietluan*****@gmail.com)

Khái niệm vị thuốc Thương nhĩ tử được quy định tại Mục 89 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:

Vị thuốc Thương nhĩ tử là quả già phơi hay sấy khô của cây Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L), họ Cúc (Asteraceae)

Vị thuốc Thương nhĩ tử được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Thương nhĩ tử sao cháy gai và phương pháp chế biến Thương nhĩ tử tẩm rượu. Trong đó:

- Đối với phương pháp chế biến Thương nhĩ tử sao cháy gai thì thực hiện đun lửa to cho chảo thật nóng, cho Thương nhĩ tử đã rửa sạch, phơi khô vào, đảo đều và không cần nhanh đến khi các gai bên ngoài cháy đen và bốc mùi thơm. Để nguội, đóng gói. Thương nhĩ tử sao cháy gai là những quả hình trứng, hai đầu nhọn, có màu xám đen; phần lớn cháy hết gai, một số quả còn ít gai hoặc gai cháy chưa hết, dài 1,2 cm - 1,5cm, rộng 0,5 cm - 0,7 cm.

- Đối với phương pháp chế biến Thương nhĩ tử tẩm rượu thì để chế biến 1,0 kg Thương nhĩ tử tẩm rượu thì cần 1,0 kg Thương nhĩ tử và 0,2 lít rượu. Theo đó, thực hiện cho Thương nhĩ tử đã rửa sạch, phơi khô vào chậu, đổ Rượu 30° vào, trộn đều, ủ trong 2 giờ, cho vào đồ chín trong 1 giờ. Bỏ ra sấy khô là được. Thương nhĩ tử tẩm rượu là những quả hình trứng, hai đầu nhọn và có gai, dài 1,2cm - 1,5cm, rộng 0,5cm - 0,7 cm. Nhấm nhân hạt thơm ngậy, không tanh.

Vị thuốc Thương nhĩ tử có vị ngọt nhạt, tính ôn, hơi có độc. Quy kinh Phế. Có công năng tiêu độc, sát trùng, tán phong trừ thấp, (tác dụng tốt là làm thông mũi bị tắc); ngoài ra còn có tác dụng làm ra mồ hôi và được dùng để chủ trị các bệnh về nhức đầu do phong hàn, viêm mũi, chảy nước mũi, phong chẩn, ngứa, tê thấp đau cơ rút.

Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Thương nhĩ tử. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào